Cần làm gì khi người thân bị ngộ độc rượu?

Thủy Nguyễn, icon
01:13 ngày 21/01/2017

VTV.vn - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, sau khi người thân uống nhiều rượu nhưng vẫn có thể nói được nên cho bệnh nhân ăn tinh bột, uống mật ong, hoặc sữa có đường.

Ảnh minh họa.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng giáp Tết, ngày nào cũng tiếp nhận ca cấp cứu ngộ độc rượu; có ngày có tới 2-3 trường hợp nhập viện, có trường hợp tử vong vì ngộ độc rượu trầm trọng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Vào những dịp trước và sau Tết năm nào cũng vậy, lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu lại tăng đột biến. Năm nay cũng không ngoại lệ, tăng hơn hẳn so với thời gian trong năm, cho dù đã được cảnh báo nhiều về tác hại do rượu gây nên".

BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay, các trường hợp ngộ độc rượu ethanol khá phổ biến, nhưng lo ngại nhất chính là các trường hợp ngộ độc rượu có chứa methanol (loại cồn công nghiệp).

Ngộ độc rượu có chứa methanol nguy hiểm hơn rất nhiều và năm nay có tăng so với các năm trước đây. Đa phần các ca ngộ độc methanol có nguy cơ tử vong cao. Những người uống nhiều rượu sẽ có nguy cơ bị xơ gan, biến chứng xơ gan, các biến chứng lên cơ thể như suy thận, viêm tụy, suy hô hấp.

"Trong mấy năm gần đây, những người trẻ uống rượu nhiều, có xu hướng tăng. Người càng trẻ, có thể trạng gầy yếu khi uống nhiều rượu sẽ dễ bị ngộ độc, dẫn đến hạ đường huyết, gây tổn thương não càng cao. Ngoài ra, khi uống nhiều rượu cũng sẽ khiến bị rối loạn trong máu, tổn thương các cơ" - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Theo BS Nguyên, trong trường hợp người thân uống nhiều rượu nhưng vẫn đủ tỉnh táo, nói chuyện được, ngồi được nên cho ăn chất có tinh bột như gạo, bún, phở..., uống nước có đường, mật ong hoặc sữa có đường và tiếp tục theo dõi bệnh nhân.

Còn với những người sau khi uống rượu có biểu hiện ú ớ, nói không rõ từ, đặc biệt gọi không biết, thở khò khè, thở yếu, tay chân tím tái, lạnh, người nhà cần sơ cấp cứu ngay tại chỗ bằng cách cho nằm nghiêng sang một bên. Tốt nhất cho bệnh nhân nằm nghiêng sang bên phải, giữ cổ ở tư thế bình thường hoặc ngửa, không để cổ bị gập, không cho dùng bất kỳ đồ ăn, thức uống nào và sau đó đưa đến bệnh viện.

Bác sĩ Nguyên cũng cho biết, những sai lầm của người dân khi sử dụng các biện pháp giải rượu trước khi đến viện như, khi uống rượu xong cho uống nước chanh, đồ chua, như thế sẽ dễ gây nôn, và gây tổn thương dạ dày. Đặc biệt chú ý, cả hai trường hợp bị ngộ độc rượu trên, cần phải ủ ấm cho bệnh nhân, nhất là trong thời tiết rét.

Có nhiều người khi uống rượu xong cố gây nôn, nếu lúc đó còn tỉnh táo thì không sao nhưng khi không còn tỉnh mà cố ép gây nôn cho bệnh nhân sẽ dễ dẫn đến bị sặc, thức ăn sẽ vào phổi, vì thế khi bị ngộ độc rượu mà gây nôn rất nguy hiểm.

"Nhiều trường hợp uống rượu không đạt chất lượng nhưng không biết, khi có biểu hiện như bị mờ mắt, hôn mê, tụt huyết áp mới nhập viện là đã bị tổn thương não. Nếu đến viện muộn, tỉ lệ tử vong sẽ rất cao" - BS Nguyên cho biết.

Vì thế, để phòng ngộ độc rượu, giữ gìn sức khỏe, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người dân không nên uống rượu hoặc uống có chừng mực, trong mức cho phép, sử dụng rượu có nguồn gốc rõ ràng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục