Cần phát hiện sớm bệnh tiểu đường ở trẻ em

Mai Liên, icon
03:01 ngày 03/05/2020

VTV.vn - Bệnh đái tháo đường có 2 type, tiểu đường type 2 thường xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi, còn tiểu đường type 1 xảy ra ở bệnh nhân trẻ tuổi (thường là trẻ em).

Bác sĩ Trần Xuân Lam, Khoa Huyết học thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: Đái tháo đường là một rối loạn nội tiết khá phổ biến ở trẻ em. Hiện nay, tại Đồng Nai chưa có một khảo sát nào được tiến hành về tiểu đường ở trẻ em. Nhưng theo ước tính, có khoảng 1% trẻ em trong dân số (khoảng 1.000 trẻ) bị bệnh lý này. Bệnh tiểu đường type 1 gặp chủ yếu ở 2 nhóm tuổi trẻ em hay gặp nhất là lứa tuổi mẫu giáo 4 - 6 tuổi và 10 - 14 tuổi. Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện đang theo dõi và điều trị ngoại trú cho 40 bệnh nhi.

Điển hình như em L.G.H. (16 tuổi, ngụ xã An Phước, Long Thành) được gia đình phát hiện những biểu hiện lạ vào đầu năm 2019 như: tiểu đêm nhiều, xuống cân, hốc hác... mặc dù ăn rất nhiều. Sau đó do em bị ngất xỉu nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark cấp cứu, sau đó bé H. được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị.

Qua những triệu chứng và các xét nghiệm, kết quả em H. bị tiểu đường type 1. Nguyên nhân H. bị ngất xỉu là do ngộ độc ceton (nhiễm toan ceton đái tháo đường (DKA) là một biến chứng cấp tính, nghiêm trọng và chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 1). Từ đó đến nay, 4 tuần/1 lần người nhà đưa em lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để làm xét nghiệm và nhận thuốc. Hàng ngày, em phải tiêm 2 mũi Insullin.

Hay vào tháng 6/2019 gia đình em T.M.T. (15 tuổi, ngụ ở xã An Phước, Long Thành) phát hiện em bị sút cân nhanh chóng, nên đã đưa em T. đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Kết quả cho thấy em T. bị tiểu đường type 1.

Theo bác sĩ Trần Xuân Lam, nguyên nhân ban đầu khiến trẻ mắc đái tháo đường type 1 là do thiếu hụt hoặc tắc Insulin gây ra việc đường không đi tới tế bào và tăng đường huyết lên. Phần nữa là do cơ chế miễn dịch của trẻ tiếp xúc những yếu tố như thuốc, hóa chất... Cuối cùng là tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, trong khi các hoạt động thể lực ngày càng giảm.

Biến chứng đái tháo đường dễ gặp nhất là trẻ bị nhiễm toan ceton (là một trạng thái thiếu hụt Insulin tương đối hoặc tuyệt đối bị trầm trọng thêm sau sự tăng đường huyết, mất nước và sự rối loạn gây toan hóa trong chuyển hóa trung gian). Khi nhiễm toan ceton, trẻ thường bị mất nước, người mệt mỏi lừ đừ và nặng nhất là hôn mê, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Trước thực trạng bệnh tiểu đường đang gia tăng ở bệnh nhân trẻ tuổi, BS. Lam khuyến cáo cần cân đối chế độ ăn uống cho trẻ lành mạnh hợp lý, hạn chế thức ăn nhanh, chứa nhiều dầu mỡ, hạn chế nước uống có ga. Những thức ăn này chuyển hóa từ đường thành mỡ, tăng tỉ lệ béo phì ở trẻ và nó là yếu tố nguy cơ cao tăng bệnh tiểu đường ở trẻ. Tăng cường các hoạt động thể lực như đi bộ, bơi lội…; hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử thông minh.

Một số trẻ có nguy cơ cao do tiền sử gia đình có tiểu đường type II, béo phì, hoặc có những rối loạn huyết áp (tăng huyết áp), rối loạn mỡ máu... cần đi tầm soát tiểu đường. Hai thời điểm vàng nên đưa trẻ đi tầm soát là 10 tuổi và 14 tuổi khi các em bước vào giai đoạn dậy thì.

Khi thấy trẻ có các biểu hiện như tiểu nhiều, ăn uống nhiều và sút cân nhanh, mệt mỏi, gia đình nên cho bé đi tầm soát tiểu đường. Những trường hợp được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn và chậm điều trị, có thể gây ra phù não ở bệnh nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục