Cẩn trọng bệnh quai bị có thể gây vô sinh

Minh Đức, icon
09:56 ngày 23/11/2016

VTV.vn - Cứ 10 nam giới bị quai bị sẽ có 2 - 3 người bị viêm tinh hoàn. Viêm tinh hoàn có thể khiến teo tinh hoàn sau khi khỏi bệnh và dẫn đến việc khó có con hoặc vô sinh.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết trong 10 tháng đầu năm đã có khoảng 1.900 ca mắc quai bị trên cả nước. Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus paramyxovirus gây nên, còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ... Bệnh lây trực tiếp bằng đường hô hấp và có thể gây thành dịch trong cộng đồng. Biểu hiện lâm sàn phổ biến nhất của bệnh là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Bệnh lây nhiễm mạnh và thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân.

Bác sĩ Trung Cấp - BV Nhiệt đới TW - cho biết: "Sau khi tiếp xúc với virus bệnh quai bị khoảng 14 - 24 ngày, người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm và ở phần tai, tạo cảm giác khó chịu cho người bệnh".

Bác sĩ cũng cho biết, bệnh quai bị tuy lành tính, ít gặp ở người lớn nhưng thường rất nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Biến chứng của bệnh quai bị được nhiều người lo ngại nhất chính là viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, viêm buồng trứng. Đối với biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn có tỷ lệ 20 - 35% ở người sau tuổi dậy thì, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7 - 10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3 - 7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh. Còn đối với viêm buồng trứng có tỷ lệ 7% ở nữ giới sau dậy thì và ít dẫn đến vô sinh.

Thực tế, ở nam giới, cứ khoảng 10 người bị quai bị thì 2 - 3 người bị viêm tinh hoàn, tức số người bị viêm tinh hoàn một bên và hai bên sẽ chiếm từ 20 - 30%, thường gặp ở thanh thiếu niên đã dậy thì. Đa số bị viêm tinh hoàn một bên, một số trường hợp bị viêm tinh hoàn hai bên, chỉ những trường hợp bị teo luôn cả hai tinh hoàn mới dẫn đến việc khó có con hoặc vô sinh. Ngoài việc tiêm chủng cho người chưa mắc bệnh thì không có thuốc đặc trị cho người đang mắc bệnh quai bị cũng như không có thuốc ngăn chặn tinh hoàn không bị viêm hay teo. Các thuốc dùng chỉ để điều trị triệu chứng như là chống viêm phù nề, giảm đau, hạ sốt.

Vậy nên, mọi người nên chủ động phòng tránh bệnh quai bị. Đối với mọi bệnh nhân cần cách ly 2 tuần kể từ khi phát hiện bệnh, vệ sinh răng miệng, ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và uống hạ sốt. Đối với trường hợp viêm tinh hoàn, người bệnh nên mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, nghỉ ngơi là chủ yếu và hạn chế vận động.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục