Cẩn trọng: Viêm ống tai ngoài do bơi lội

Lê Thạch, icon
08:29 ngày 11/07/2018

VTV.vn - Những tháng hè nhưng số người bị viêm tai do bơi lội đến Bệnh viện đa khoa Medlatec (Hà Nội) tăng đột biến.

Hình minh họa (Ảnh: oudersvannu)

Chị N.M.L. (30 tuổi, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Gần hai tuần nay, thời tiết oi bức nên chị thường xuyên cho con trai 4 tuổi đi bơi để giải nóng (3 lần/tuần). Tuy nhiên, mấy ngày nay, con có biểu hiện ngứa và đầy tai gây khó chịu. Ban đầu chị cho con dùng tăm bông để vệ sinh tai nhưng tình trạng cứ nặng thêm. Sau đó, chị đưa con đến Bệnh viện đa khoa Medlatec khám và được bác sĩ chẩn đoán viêm ống tai ngoài.

Nguyên nhân gây bệnh viêm tai ngoài

Theo bác sĩ Trần Văn Kiểm, chuyên khoa Tai mũi họng cho biết: Viêm ống tai ngoài (hay còn gọi viêm tai ngoài) là tình trạng viêm, phản ứng kích thích, nhiễm trùng ở ống tai ngoài. Ống tai ngoài là phần nằm ở phía ngoài của tai, giữa vành tai và màng nhĩ. Khi trong ống tai ngoài ứ đọng nước, vi khuẩn và vi nấm có điều kiện thuận lợi để phát triển gây nên bệnh viêm tai ngoài. Viêm tai ngoài gây triệu chứng ngứa, đau tai.

Bệnh thường xảy ra ở những người hay đi bơi hoặc thường xuyên bị nước ứ đọng trong tai (tắm gội bị nước vào lỗ tai). Nếu không chữa kịp thời rất thì bệnh sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, trẻ đã có tiền sử bị viêm tai, thủng màng nhĩ, có bất thường về giải phẫu ống tai rất dễ đọng nước bên trong, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.

Hè đến, bơi lội là môn thể thao được nhiều bậc cha mẹ ưu tiên lựa chọn để con yêu được rèn luyện sự dẻo dai, sức bền cơ thể cũng như để xả hơi sau một năm học hành vất vả. Ngoài những lợi ích mang lại, cha mẹ nên lưu ý không nên cho trẻ đi bơi khi mắc bệnh hen phế quản hoặc mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính: như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn...

Với những trẻ đi bơi, nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường về tai thì nên đưa con khám ngay, tránh để lại những hậu quả về tai như: ngứa tai do viêm nhiễm và là dấu hiệu sớm của nhiễm trùng; đau tai ngay cả khi không chạm vào hoặc khi nhai đồ ăn; chảy mủ, chảy nước từ trong tai; nghe không rõ, ù tai...

Các triệu chứng thường gặp của viêm tai ngoài

- Đỏ da ống tai ngoài; ngứa trong tai.

- Đau tai, đặc biệt khi đụng vùng vành tai, đau có thể lan đến vùng cổ, mặt, hoặc vùng đầu.

- Chảy dịch tai (cảm giác có nước trong tai).

- Phù nề quanh tai; sung nề vùng ống tai ngoài.

- Nghe kém. Cảm giác đầy - nặng trong tai. Sốt.

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm ống tai ngoài do bơi

- Chọn bể bơi có chất lượng nước sạch. Sau mỗi lần bơi nên lau tai bằng khăn sạch.

- Sử dụng dụng cụ nút tai khi đi bơi hoặc tắm. Sau bơi cần nghiêng đầu sang từng bên để nước chảy ra.

Có thể làm khô ống tai ngoài bằng cách sử dụng luồng hơi nóng từ máy sấy tóc ở cường độ thấp hoặc sấy lạnh: Cần giữ khoảng cách giữa máy sấy tóc và đầu trong khoảng 30 cm. Máy sấy tóc được đặt từ phía sau thổi luồng hơi ra phía trước và thường xuyên di chuyển, không nên giữ nguyên một chỗ.

- Để tránh tái phát, người bệnh cần lưu ý không nên dùng tăm bông ráy tai để làm sạch ống tai. Việc sử dụng bông ráy tai không đúng cách có thể đẩy chất dơ từ phía ngoài vào ráy tai vào bên trong ống tai tạo điều kiện cho bệnh viêm tai ngoài phát sinh và phát triển.

Bác sĩ Kiểm cũng khuyến cáo: khi bị viêm tai ngoài, người bệnh sử dụng tăm bông ngoáy tai sẽ làm lớp da ngoài tổn thương sâu hơn. Để càng lâu, tổn thương càng sâu, gây đau, tiết dịch. Vì vậy, khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến khám tại các bệnh viện, phòng khám chuyên Khoa Tai - mũi - họng để được chẩn đoán, điều trị đúng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục