Cẩn trọng với chứng sa niêm mạc niệu đạo ở bé gái

Linh Chi, icon
09:34 ngày 04/03/2021

VTV.vn - Thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, Bệnh viện Nhi đồng 2 liên tiếp nhận các trường hợp xuất huyết âm hộ ở các bé gái từ 7 đến 10 tuổi do bị sa niêm mạc niệu đạo.

Hình minh họa.

Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhi N.T.H. (8 tuổi, trú tại Lâm Đồng) nhập viện với tình trạng chảy máu ở vùng kín.

2 tuần trước nhập viện, người nhà thấy bệnh nhi chảy máu ở vùng kín, xem kĩ thấy có khối nhỏ màu đỏ trồi ra, tiểu hơi rát và có lúc bí tiểu.

Các bác sĩ chuyên về niệu sinh dục nhi tại bệnh viện khám chẩn đoán: Bệnh nhi bị sa niêm mạc niệu đạo toàn phần có biến chứng. Bé được phẫu thuật kịp thời và xuất viện vào ngày hôm sau.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Sa niêm mạc niệu đạo là một bất thường lành tính, tương đối hiếm gặp tần xuất khoảng 1/3.000 trẻ gái sinh ra, thường ở lứa tuổi 8 - 10 tuổi. Bất thường này khiến phụ huynh lo lắng vì không biết trẻ chảy máu âm đạo hay khối u vùng âm hộ.

Bệnh do bẩm sinh yếu phần cơ vùng thành niệu đạo, dưới tác động của các yếu tố khác gây tăng áp lực đột ngột ổ bụng như ho kéo dài, tiêu chảy hoặc táo bón lâu ngày sẽ làm trồi ra vùng niêm mạc ở niệu đạo. Vì xuất phát từ niệu đạo nên nếu quan sát kỹ, có thể thấy nước tiểu rỉ ra từ khối sa này.

Bệnh liên quan đến ho và viêm hô hấp nên mùa lạnh vừa rồi, bệnh viện tiếp nhận số bệnh tăng hẳn so với thời điểm khác trong năm.

Bệnh thường biểu hiện triệu chứng đầu tiên là chảy máu, rất dễ nhầm lẫn với chấn thương hoặc lạm dụng. Do tính chất hiếm gặp và ít phổ biến nên sa niêm mạc niệu đạo thường dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác vùng sinh dục.

Về mức độ bệnh, sa niêm mạc niệu đạo chia ra làm 3 loại: sa bán phần, sa toàn phần, sa có biến chứng.

Về điều trị, đối với sa bán phần có thể điều trị nội khoa bôi thuốc oestrogen, tuy nhiên phương pháp này tính hiệu quả không cao, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, đối với sa toàn phần hay sa niêm mạc niệu đạo có biến chứng thì giải pháp phẫu thuật là duy nhất và hiệu quả.

Các bác sĩ lưu ý: Người nhà cần quan sát, nếu trong thời gian bé gái bị ho kéo dài nhất là mùa lạnh, hoặc táo bón hay tiêu chảy; xuất hiện triệu chứng xuất huyết vùng âm hộ thì coi chừng sa niêm mạc niệu đạo. Cần đưa bé tới những cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng về sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục