Cảnh báo chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt

Văn Thành, icon
09:00 ngày 06/05/2021

VTV.vn - Từ đầu tháng 4 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang liên tục tiếp nhận các ca tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt nghiêm trọng.

Bệnh nhân bị chấn thương sau khi ngã từ trên cao. Ảnh: BVCC

Đáng chú ý, đa số bệnh nhân bị tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt còn trẻ, trong độ tuổi lao động.

Gần đây nhất là trường hợp nam bệnh nhân sinh năm 1979 ở xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn được người nhà đưa vào viện cấp cứu sau 1 tai nạn lao động.

Bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương cột sống ngực và liệt tủy hoàn toàn.

Vợ bệnh nhân cho biết: Cách đây 5 ngày, chồng chị bị ngã từ trên cao xuống khi đang đang trèo lên cột nối dây điện.

Theo các bác sĩ, hàng năm, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca tai nạn lao động, sinh hoạt với mức độ thương tích đều nghiêm trọng, hậu quả để lại nặng nề. Ca nhẹ thì gãy, cụt chân tay, nặng hơn thì liệt nửa người, mất khả năng vận động, sống thực vật.

Thực tế cho thấy, khi tai nạn xảy ra, không riêng người lao động chịu hậu quả mà còn kéo theo là gia đình, người thân bị tác động bởi họ thường là trụ cột, lao động chính trong gia đình. Cú sốc tâm lý sẽ là vết thương lâu hồi phục mà nạn nhân phải gánh chịu suốt đời.

Để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt các bác sĩ khuyến cáo: Ngoài chủ động trang bị những kỹ năng cần thiết, khi phát hiện người bị tai nạn lao động, sinh hoạt, người xung quanh cần bình tĩnh, sơ cứu, băng bó vết thương. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để hạn chế tối đa tổn thương và giảm thiểu các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục