Cảnh báo hóc hạt trái cây ở trẻ

Linh Chi, icon
07:00 ngày 18/07/2021

VTV.vn - Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, hầu như mùa hè nào cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị dị vật đường thở do hạt nhãn, hạt vải trôi vào họng, đường thở.

Dị vật hạt nhãn được lấy ra khỏi phế quản bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Mới đây nhất vào chiều ngày 16/7, Khoa Tai Mũi Họng tiếp nhận bệnh nhi T.K.K (12 tuổi, trú tại Yên Thành) trong tình trạng tức ngực, khó thở, da, niêm mạc kém hồng…

Người nhà cho biết: Trong lúc chơi đùa, bệnh nhi cười nên ho sặc sụa, vì thế hạt nhãn đã rơi vào đường thở.

Qua thăm khám, chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện: Hình ảnh dị vật là hạt nhãn bịt kín lòng phế quản phải của bệnh nhi, làm xẹp một phần thùy phổi phải. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp thành công hạt nhãn, cứu sống bệnh nhi.

Trước đó không lâu, khoa cũng tiếp nhận một bệnh nhi 34 tháng tuổi bị hóc hạt lạc.

Theo người nhà kể lại, bệnh nhi đang ăn lạc thì khóc và bị ho sặc sụa. Sau 2 ngày xuất hiện ho nhiều, khò khè, thở rít, gia đình đưa bé tới khám và nhập viện.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khò khè, khó thở, thở rít co kéo cơ hô hấp. Qua khai thác tiền sử và thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở hạt lạc suy hô hấp, viêm phổi nặng.

BSCKI Trịnh Thanh Hưng, Khoa Tai Mũi Họng cho biết: Hóc dị vật là tai nạn thường gặp phải ở trẻ nhỏ, lứa tuổi hay mắc là từ 1-3 tuổi. Bố mẹ, người trông trẻ cần hết sức cảnh giác với những đồ vật xung quanh trẻ, tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi đùa vì có thể gây sặc.

Trong quá trình trông trẻ, chỉ một thoáng lơ là, bất cẩn của người lớn là trẻ có thể hóc sặc dị vật phải đi cấp cứu. Trẻ nhỏ thích khám phá và có khuynh hướng cho vào miệng như trái nhãn, vải, chôm chôm, thạch rau câu để ăn… Vừa ngậm ăn vừa chạy chơi, đó là điều kiện dễ làm cho dị vật chui vào đường thở khi trẻ hít vào mạnh hoặc sau một trận cười, khóc và trở thành mối nguy đe dọa tính mạng trẻ.

Theo bác sĩ Hưng, để chấm dứt những tai nạn này phải bắt đầu bằng việc giáo dục sức khỏe rộng rãi cho cha mẹ và những người chăm sóc trẻ về mối nguy hiểm của hóc dị vật đường thở. Nhấn mạnh sự nhận biết, tránh những thức ăn, đồ vật có khả năng trở thành dị vật gây nghẹt thở cho trẻ, bởi phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh.

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật, cần hết sức bình tĩnh, không dùng tay hay vật bất kỳ để móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy dị vật vào sâu hơn. Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, không khó thở, vẫn khóc được hoặc nói được thì khuyến khích trẻ ho và nhanh chóng đưa con trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng bị hóc dị vật đường thở thì sẽ được lấy ra an toàn.

Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành sơ cứu kịp thời trong thời gian đợi xe tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục