Cảnh báo tình trạng ngộ độc thuốc diệt cỏ

P.V, icon
06:08 ngày 31/07/2023

VTV.vn - Trong tuần qua, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhân bị ngộ độc do uống nhầm thuốc diệt cỏ cháy nhanh.

Bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy. Ảnh: BVCC

Cả 2 bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng đau rát miệng, họng, đau bụng, nôn nhiều và thở nhanh.

Cụ thể: Bệnh nhân nam (23 tuổi) nhập viện sau khi được xử trí rửa dạ dày tại Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy nhanh Diquat giờ thứ 5.

Các bác sĩ tiến hành truyền dịch thải độc cho bệnh nhân trước khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị theo nguyện vọng của gia đình.

Bệnh nhân nam (16 tuổi) được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt cỏ thành phần Diquat giờ thứ 7. Gia đình đã đưa bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Yên xử trí rửa dạ dày cấp cứu trước khi chuyển điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La.

Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân được truyền dịch lợi tiểu, thải độc, sử dụng corticoid chống xơ phổi, dùng esomeprazole chống loét niêm mạc dạ dày. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh nhưng mệt mỏi, đau rát miệng họng, vẫn đang tiếp tục được theo dõi và điều trị thải độc tại bệnh viện.

Trong thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộc độc thuốc diệt cỏ cháy nhanh. Có thể bệnh nhân không may bị ngộ độc do sơ ý trong quá trình sử dụng nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân nghĩ quẩn tìm đến thuốc diệt cỏ để kết thúc cuộc đời. Bên cạnh đó, cũng có người ngộ độc do uống nhầm khi say rượu hoặc do bảo quản thuốc trong chai lọ đựng thông thường, không để đúng nơi quy định.

Diquat là thuốc diệt cỏ cực độc, khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương nặng nề các cơ quan nội tạng quan trọng như thận, gan, phổi… Đặc biệt, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi dẫn tới suy hô hấp và xơ phổi.

Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy nhanh dẫn đến tử vong rất nhanh, nguy cơ tử vong rất cao từ 70 - 90%. Phương pháp điều trị chung, hiệu quả nhất hiện nay là cấp cứu ngay trong 6 giờ đầu sau khi bị ngộ độc đồng thời thực hiện các biện pháp giải độc, lọc máu, truyền dịch, lợi tiểu tích cực và điều trị triệu chứng.

Do vậy, đối với các ca ngộ độc cần đưa ngay đến sở y tế gần nhất bởi nếu qua thời gian vàng điều trị thì khả năng cứu sống sẽ thấp hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục