Cảnh giác: Nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa

Tuấn Bảo, icon
01:59 ngày 18/07/2018

VTV.vn - Nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính nặng. Tuy nhiên, gần đây, số ca bị nhồi máu cơ tim nhập viện và được can thiệp có tuổi còn khá trẻ.

Hình ảnh mạch máu của bệnh nhân trước can thiệp.

30 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim

Đơn vị Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) vừa xử lý và điều trị thành công ca nhồi máu cơ tim nặng cho một bệnh nhân tuổi còn rất trẻ.

Bệnh nhân T.M.H.Q.V. (30 tuổi) - nhập Khoa cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng đau ngực trái nặng, cơn đau lan lên cằm và cánh tay phải, đau liên tục, vã mồ hôi kèm khó thở.

Kết quả thăm khám cùng với xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy: bệnh nhân có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp, thay đổi sóng điện tim, men tim tăng. Qua đó, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp ST không chênh nguy cơ cao.

Sau khi hội chẩn các chuyên khoa, ekip can thiệp tim mạch của bệnh viện quyết định chuyển bệnh nhân lên phòng thông tim, tiến hành can thiệp tái thông mạch máu tim ngay cho bệnh nhân.

Tại phòng thông tim can thiệp, qua chụp chiếu cho thấy: hệ thống mạch máu tim của bệnh nhân hẹp ở rất nhiều vị trí và hẹp rất nặng, nhất là mạch máu tim bên phải. Điều này gây ngạc nhiên cho các bác sĩ vì bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ. Có thể nói , đây là ca bệnh nhân trẻ nhất trong số các bệnh nhân nhồi máu cơ tim từng được tái thông mạch vành tại bệnh viện. Vốn dĩ tình trạng bệnh này thường xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi với nhiều bệnh mạn tính nặng nề đi kèm.

Các bác sĩ can thiệp đã dùng một loại bong bóng đặc biệt, tiến hành bơm bóng liên tục, làm vỡ đống huyết khối dọc theo chiều dài mạch máu cho bệnh nhân. Tiếp đó, bệnh nhân được đặt 3 stent phủ thuốc nối tiếp nhau vào mạch máu tim bên phải và 1 stent phủ thuốc ở mạch máu tim bên trái, hồi phục lại hệ thống mạch máu tim cho bệnh nhân.

Sau 2 giờ làm việc, ca can thiệp diễn ra thành công. Các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân ổn định, mạch máu tái thông tốt. Bệnh nhân được chuyển tới Khoa Hồi sức theo dõi và điều trị tiếp, hiện đã xuất viện và hồi phục tốt.

Người trẻ cần làm gì để phòng tránh bệnh

BS. Nguyễn Phi Vân Cương, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp cho biết: "Đây là trường hợp hy hữu nhưng đáng lo ngại vì bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim khi tuổi còn rất trẻ. Đối với người cao tuổi mắc nhiều bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường thì nhồi máu cơ tim là bệnh lý thường gặp. Tuy nhiên, gần đây số người dưới 40 tuổi bị nhồi máu cơ tim tăng lên đáng ngại. Có thể nói, chính chế độ ăn uống không hợp lý, áp lực cuộc sống và thói quen sinh hoạt không tốt cho sức khỏe (nghiện rượu và thuốc lá) đã và đang làm trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh tim mạch trong cộng đồng".

Cụ thể với trường hợp bệnh nhân V., qua thăm hỏi thì được biết bệnh nhân thường xuyên lo lắng, căng thẳng về việc học cũng như công việc trong thời gian dài. Thêm vào đó, bệnh nhân còn thường hút thuốc lá, mắc chứng tăng huyết áp khoảng 4 năm gần đây; đồng thời không đi khám sức khỏe định kỳ nên không phát hiện tình trạng mỡ máu và đái tháo đường có thể đã mắc từ lâu - bệnh nhân vào viện lần này mới được bác sĩ phát hiện. Tất cả những yếu tố trên đã âm thầm làm tổn thương gần như toàn bộ hệ mạch máu nuôi tim và rất nhanh chóng đưa đến nhồi máu cơ tim, vô cùng nguy hiểm.

Để phòng bệnh, người trẻ cần có lối sống tích cực, tránh lo âu, quản lý stress, chơi thể thao, ăn uống hợp lý (chế độ ăn ít muối, hạn chế mỡ, ăn nhiều rau xanh và trái cây). Song song đó, nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện và điều trị sớm các bệnh mạn tính để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục