Cấp cứu cụ ông bị gãy 7 xương sườn sau cú ngã từ độ cao hơn 3m

P.V, icon
11:34 ngày 17/06/2024

VTV.vn - Cụ ông N.V.V. (76 tuổi, trú tại Quảng Ninh) bị ngã từ trên mái bếp với độ cao hơn 3m xuống nền cứng.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân sau điều trị. Ảnh: BVCC

Sau ngã, bệnh nhân tỉnh, đau chảy máu đầu, đau vùng ngực phải, không khó thở, chưa xử trí gì, ngay lập tức được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cấp cứu.

Ghi nhận lúc vào viện, bệnh nhân có vết thương vùng chẩm, ngực phải di động kém, đau ngang mức xương sườn từ 4 đến 10 phải. Bệnh nhân được xử trí khâu vết thương, tiêm uốn ván, cố định ngực bằng đai xương sườn.

Chụp cắt lớp vi tính, siêu âm ổ bụng, chụp X-quang cho thấy: hình ảnh gãy cung sau xương sườn 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 phải, tổn thương xương sọ. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương đầu, ngực, bụng - vết thương đầu, gãy kín cung sau xương sườn 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 phải, theo dõi chấn thương sọ não.

Bệnh nhân được điều trị thuốc giảm đau, kháng sinh và theo dõi tại Khoa Ngoại. Sau 1 ngày điều trị tại khoa, bệnh nhân còn đau ngực phải, ăn uống được, bệnh nhân ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Minh Chắc - Khoa Ngoại cho biết: Gãy xương trong chấn thương ngực rất phổ biến, nhất là sau tai nạn giao thông, ngã, tai nạn sinh hoạt hay lao động. Tỷ lệ gãy xương sườn khoảng 10% trong số các ca chấn thương ngực. Bên cạnh gãy xương sườn, chấn thương ngực còn gây tổn thương xương đòn hoặc xương bả vai, phần trên của bụng, phổi, mạch máu, tim, cơ, mô mềm và xương ức.

Nhiều chấn thương ở ngực có thể gây tử vong ngay hoặc sau vài giờ, phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng đến các cơ quan trọng như tim, phổi, mạch máu lớn. Để giảm rủi ro tử vong, giảm di chứng, bệnh nhân khi gặp chấn thương vùng ngực cần theo dõi sát dấu hiệu bất thường.

Sau khi chấn thương ngực, người bệnh cảm thấy cơn đau tăng dần hoặc khó thở dữ dội cần đến bệnh viện ngay. Trường hợp chấn thương nhẹ thường biểu hiện triệu chứng đau khi cử động vai, cánh tay hoặc cơ thể, cơn đau tăng lên khi hít thở sâu, ho hoặc hắt hơi. Lúc này, bác sĩ cho thuốc uống, có thể điều trị tại nhà. Người bệnh cần đến viện khi mức độ đau không giảm sau vài ngày hoặc xuất hiện những triệu chứng bất thường khác. 

Do đó, sau khi gặp tai nạn, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được kiểm tra kỹ lưỡng và điều trị kịp thời, bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục