Chính thức tiêm thử nghiệm vaccine ARCT-154 phòng COVID-19 trên 100 tình nguyện viên

Quỳnh Anh, icon
10:31 ngày 15/08/2021

VTV.vn - Sáng hôm nay (15/8), những mũi tiêm thử nghiệm vaccine ARCT-154 đầu tiên vừa được tiêm cho các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.

Tiêm mũi 1 vaccine ARCT-154 cho tình nguyện viên.

Từ 800 người đăng ký, qua quá trình sàng lọc nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn quốc tế, 100 tình nguyện viên đã được tuyển lựa để chính thức tiêm mũi tiêm đầu tiên trong giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine ARCT-154, đây là loại vaccine được phát triển theo công nghệ tân tiến nhất hiện nay là mRNA tự nhân bản được chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Đây là loại vaccine đã được thử nghiệm pha 1, 2 tại Hoa Kỳ và Singapore. Tại Việt Nam, để đảm bảo an toàn chúng ta thực hiện thử nghiệm cả 3 pha, trong đó pha 1, pha 2 sẽ làm nhanh, đồng thời từng bước cuốn chiếu để nhanh chóng chuyển sang pha 3. Với tiến độ dự kiến, chúng ta sẽ hoàn thiện cả 3 pha trong năm 2021, có thể đưa vào sử dụng đầu năm 2022".

Chính thức tiêm thử nghiệm vaccine ARCT-154 phòng COVID-19 trên 100 tình nguyện viên - Ảnh 1.

Tư vấn trước tiêm cho tình nguyện viên.

Trong giai đoạn 1, điểm đặc biệt của lần thử nghiệm này là nghiên cứu bắt chéo, tức là 100 người tình nguyện khỏe mạnh phân nhóm ngẫu nhiên tiêm theo tỉ lệ 3:1 (75% ARCT-154 với liều lượng 5 microgam và 25% giả dược), sau 6 tháng, đổi ngược lại mục tiêu chính là đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine.

Để đảm bảo giãn cách, quá trình tiêm cho 100 tình nguyện viên sẽ diễn ra trong 2 ngày, chia làm 4 ca, mỗi ca 25 người.

Chính thức tiêm thử nghiệm vaccine ARCT-154 phòng COVID-19 trên 100 tình nguyện viên - Ảnh 2.

100 tình nguyện viện sẽ được tiêm thử nghiệm trong 2 ngày.

Sau khi tiêm, các tình nguyện viên sẽ ở lại theo dõi trong 3 giờ và thực hiện 9 lần thăm khám lâm sàng theo lịch trình nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội. Hiện tại, các tình nguyện viện đã tiêm trong buổi sáng đều có sức khỏe ổn định.

Việc chủ động nhận chuyển giao công nghệ sớm cùng với các bước tiến hành thử nghiệm gấp rút nhưng đảm bảo đúng quy trình và an toàn sẽ mở ra thêm một hướng tự chủ vaccine giúp Việt Nam nhanh chóng bao phủ vaccine tạo ra miễn dịch cộng đồng trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục