Chuyên gia hướng dẫn diệt bọ gậy phòng sốt xuất huyết đúng cách

Minh Đức, icon
06:00 ngày 02/09/2017

VTV.vn - Ngoài việc thả cá vào bể nước, mọi người có thể thả muối và dầu ăn vào dụng cụ chứa nước để muỗi sốt xuất huyết không thể đẻ trứng.

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội dù đang có dấu hiệu chững lại nhưng cơ quan y tế vẫn khuyến cáo người dân không được chủ quan và lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài hoạt động phun thuốc diệt muỗi thì các gia đình vẫn nên chú ý diệt loăng quăng, bọ gậy trong các dụng cự chứa nước. Thời gian từ khi muỗi đẻ trứng đến khi trứng nở thành bọ gậy, loăng quăng và phát triển thành muỗi trưởng thành mất khoảng 7 – 13 ngày, vậy nên các gia đình nên tích cực dọn dẹp nhà của, các dụng cụ chứa nước để diệt bọ gậy.

Ông Vũ Đức Chính – Trưởng khoa Côn trùng (Viện sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng TƯ) cho biết, trong một hộ gia đình có đến hàng chục dụng cụ chứa nước có thể làm nơi cho muỗi đẻ trứng, một vòng đời của muỗi cái có thể đẻ từ vài chục đến vài trăm trứng. Để diệt được lăng quăng, bọ gậy người dân có thể thả cá vào bể nước, dùng bàn chải cọ kỹ mép dụng cụ chứa nước vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng ở mép nước. Đối với những dụng cụ chứa nước như khay nước tủ lạnh, bát nước kê chạn… thì người dân có thể cho muối hoặc dầu ăn vào nước sẽ khiến muỗi không thể đẻ trứng. Những vật dụng khác có thể dùng để chứa nước như tàu lá, lốp xe… thì cần được thu gom và dọn sạch sẽ, hạn chế tối đa môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản.

Ông Vũ Đức Chính cũng nhấn mạnh, nhiều hộ gia đình chỉ phun thuốc diệt muỗi một diện tích trong nhà mà không phun hết, hoặc trong cùng một khu vực mà có hộ phun thuốc, có hộ không phun thuốc thì vẫn có thể xảy ra trường hợp đàn muỗi bay từ nhà này sang nhà khác, khiến việc phun thuốc diệt muỗi kém hiệu quả. Việc phun thuốc diệt muỗi có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như cả khu vực dân cư có đồng bộ diệt hết đàn muỗi hay không, các hộ gia đình có phun thuốc diệt muỗi mọi ngóc ngách trong nhà không và cuối cùng là có diệt hết bọ gậy hay không. Do đó, để đảm bảo công tác phun thuốc diệt muỗi có hiệu quả, cộng đồng dân cư nên đồng thời thực hiện công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bộ gậy cùng một lúc để tiêu diệt triệt để ổ muỗi tại khu dân cư.

Chuyên gia hướng dẫn diệt bọ gậy phòng sốt xuất huyết đúng cách - Ảnh 1.

Các gia đình nên chú ý vệ sinh một số khu vực có nước trong nhà như miệng cống thoát nước, chậu cây cảnh, khu vực trồng rau trên sân thượng...

Theo đánh giá của cơ quan y tế, muỗi tại một số nơi trên địa bàn Hà Nội đã tăng sức chịu đựng hóa chất do người dân tự ý sử dụng thuốc diệt muỗi không đúng cách, nhưng nếu phun thuốc đúng loại và đúng liều lượng thì vẫn đủ sức tiêu diệt muỗi. Để đảm bảo hiệu quả việc phun hóa chất diệt muỗi, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần đóng kín các cửa sổ, cửa ra, lỗ thông gió vào khi phun thuốc. Trước khi phun cần thu dọn dụng cụ thực phẩm để không bị nhiễm hóa chất. Sau khi phun thuốc nên ra khỏi nhà và quay lại sau 30 phút đến 1 tiếng. Đối với một số người có cơ địa nhạy cảm nếu bị dính thuốc trên người thì cần có các biện pháp như nếu vào mắt thì phải rửa bằng nước sạch, rửa ngoài da để trôi hóa chất. Đối với người bị dị ứng nặng không đỡ thì phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục