Có nên cho trẻ ăn dặm sớm?

Kim Oanh - Phượng Vũ, icon
05:56 ngày 11/12/2019

VTV.vn - Với mong muốn con có đủ chất để phát triển sớm, nhiều cha mẹ đã chế biến thức ăn cho trẻ ăn từ lúc trẻ mới được 3 đến 4 tháng tuổi.

Hình minh họa.

Chị N.T.D., ở xã Nam Dong, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có con trai 6 tháng tuổi bị tiêu chảy đang điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên vì nguyên nhân cho trẻ ăn dặm quá sớm.

Chị cho biết: Bé nhà chị tập ăn dặm khi mới hơn 3 tháng tuổi. Ngoài bú sữa mẹ, bé đòi ăn nên gia đình đã cho bé ăn sớm so với tuổi ăn dặm theo quy định.

Theo các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, trong những tháng đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ còn chưa hoàn thiện và rất non nớt. Do đó, cho trẻ ăn dặm sớm quá có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ và đặc biệt là ảnh hưởng tới gan, thận. Khi ăn dặm quá sớm, trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng hoặc béo phì. Vì với một số trẻ, khi hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh thì chưa đủ khả năng tiêu hóa những thức ăn khác ngoài sữa mẹ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo: các bà mẹ nên cho trẻ ăn dặm khi trẻ được đủ 6 tháng tuổi - bởi lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã dần hoàn thiện, tiêu hóa được các loại thực phẩm mềm nên việc hấp thu các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ sẽ dễ dàng hơn. Trong trường hợp mẹ phải đi làm trước khi con được 6 tháng tuổi thì có thể tận dụng nguồn sữa mẹ bằng cách cho trẻ bú trước khi đi làm, buổi trưa tranh thủ về cho bú, tăng cường bú ban đêm hoặc vắt sẵn sữa để ở nhà cho bé. Trong trường hợp sữa mẹ không đủ thì mới cho bé ăn sữa công thức.

Việc bỏ bú sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Bởi trên thực tế, các món ăn dặm vẫn không thể cung cấp đầy đủ hết các nhóm chất cần thiết cho trẻ trong độ tuổi này. Trẻ vẫn cần có sữa mẹ để bảo đảm cho sự phát triển. Nếu cho trẻ ăn dặm sớm thì trẻ sẽ bú ít dần, rồi từ từ sẽ không còn bú sữa mẹ nữa. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần.

TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp cho biết: Trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là tốt nhất. Ngoài 6 tháng mới nên cho ăn bổ sung. Cho trẻ ăn dặm phải tuân thủ nguyên tắc ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều. Ban đầu chỉ nên ăn 2 bữa một tuần, sau đó tăng dần một bữa một ngày rồi 2 bữa một ngày và tập làm quen với thức ăn mới. Trẻ mới tập ăn bột thì bữa đầu tiên có thể ăn bột sữa hoặc bột thịt đều được.

Để bổ sung canxi, qua tháng thứ 6 trẻ có thể ăn được hải sản. Khi trẻ bắt đầu ăn, chỉ cần một thìa cà phê thịt cá hay tôm xay nhỏ, sau đó mới tăng dần lên. Từ 7 tháng tuổi, trẻ ăn được tất cả thực phẩm giống như người lớn, chỉ khác về số lượng và cách chế biến. Giai đoạn này bát bột của trẻ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm như: Bột đường (có trong tinh bột gạo), đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua), chất béo (dầu, mỡ), vitamin và khoáng chất có trong các loại rau, củ, quả).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục