Cứu người bệnh ho ra máu sét đánh nguy kịch tính mạng

Linh Chi, icon
10:02 ngày 22/09/2020

VTV.vn - Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) vừa tiếp nhận xử trí, cứu sống kịp thời một trường hợp bệnh nhân nam "ho ra máu sét đánh".

Bệnh nhân ho ra máu lượng lớn ngay tại giường bệnh (Ảnh: BVCC).

Bệnh nhân V.V.T. (sinh năm 1996) thường hay ho ra máu lượng ít mỗi ngày từ 2-3 lần. Nghi ngờ mình mắc bệnh lao phổi nên bệnh nhân đã đến Bệnh viện quận Thủ Đức để thăm khám.

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tổn thương phổi rất nhiều do lao phổi, lao tạo hang vùng đỉnh phổi phải gây ho ra máu. Tối ngày 3/9, bệnh nhân đột ngột "ho ra máu sét đánh" ngay tại giường bệnh, khiến bệnh nhân nguy kịch đến tính mạng, có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành hồi sức ban đầu với dịch truyền, khí dung Adrenaline, thuốc cầm máu tạm thời. Đồng thời, quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt, hội chẩn liên chuyên khoa để đưa ra phương án xử trí, cứu sống người bệnh trong cơn nguy kịch.

Bệnh nhân được nhanh chóng chuyển qua phòng chụp số hóa xóa nền để được can thiệp xử lý chảy máu do vỡ động mạch bằng kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu BAE. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản 1 nòng, thở máy xâm lấn ngay tại phòng can thiệp mạch.

Với nỗ lực của ekíp bác sĩ để giành sự sống cho người bệnh, cuộc can thiệp trong vòng 1 tiếng đã thành công. Các mạch máu động mạch phế quản gây tình trạng xuất huyết đã được nút lại kịp thời.

Sau can thiệp, bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch và được rút ống đặt nội khí quản ngay ngày hôm sau.

Theo các bác sĩ, "ho ra máu sét đánh" là bệnh diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh, máu có thể ộc ra ồ ạt không cầm được, máu chảy đóng đông thành từng cục gây bít tắc đường thở, chỉ sau một vài phút sẽ dẫn đến suy hô hấp cấp, trụy tuần hoàn và có thể tử vong ngay sau đó khiến các bác sĩ không kịp trở tay. Ho ra máu sét đánh thường gặp ở bệnh nhân bị các vấn đề về phổi như lao phổi ở trường hợp này, là tai biến hiếm gặp nhưng lại có tỷ lệ tử vong rất cao trên 90%.

Hiện tại, sau can thiệp, bệnh nhân đã được xuất viện về nhà và tiếp tục theo dõi, điều trị uống thuốc kháng lao trong 6 tháng. Bệnh nhân được hẹn tái khám tại khoa Lồng ngực mạch máu để xem xét việc can thiệp các tổn thương do di chứng của lao sau điều trị lao phổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục