Cứu sống bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn

P.V, icon
09:06 ngày 05/10/2021

VTV.vn - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa tiếp nhận điều trị thành công trường hợp bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân D.V.K., (trú tại Võ Nhai, Thái Nguyên) được chuyển từ Trung tâm y tế huyện Võ Nhai đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng sụp mi, đau họng, nói khó, há miệng hạn chế, ứ đọng đờm dãi, sau đó liệt cơ hô hấp rất nhanh và rối loạn nhịp tim rất nặng.

Bệnh nhân đã được các y bác sĩ sơ cứu, đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng các loại dịch truyền, thuốc vận mạch, kháng sinh, phòng uốn ván…

Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn và nói chuyện bình thường, tự thở tốt, sức khỏe ổn định và dự kiến ra viện trong 2 - 3 ngày tới.

Cứu sống bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn - Ảnh 1.

Một bệnh nhân được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Theo lời kể của bệnh nhân, trên đường trở về nhà, bệnh nhân nghe thấy người dân hô có rắn nên xuống bắt rắn, không may bị rắn cắn vào mu bàn tay và ngón tay trỏ. Lúc này vết cắn nhỏ, không đau và chỉ chảy ít máu. Ngay sau khi tự garo cánh tay trái, bệnh nhân được người nhà đưa đến để cấp cứu.

Thời gian qua Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Hiện nay, tai nạn do rắn độc cắn rất phổ biến.

Cứu sống bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn - Ảnh 2.

Hình ảnh con rắn hổ mang chúa. Ảnh: BVCC

Đề phòng rắn cắn, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần phát quang bụi rậm, dùng đèn, đi ủng, giày cao cổ và quần dài nếu đi trong đêm tối. Tránh trêu chọc, bắt rắn, sờ vào miệng rắn, kể cả rắn chết hay đầu rắn đã cắt rời. Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất, không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn.

Đặc biệt, cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm. Thận trọng khi ở gần các nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đống đổ nát, tổ mối, chuồng gà, ổ gà, nơi nuôi các động vật của gia đình.

Sơ cứu khi bị rắn cắn

Người dân nếu không may bị rắn cắn, cần băng ép vùng chi bị cắn bằng băng vải hoặc băng tự tạo từ quần áo, băng tương đối chặt nhưng vẫn sờ thấy mạch đập.

Bất động tay chân bị cắn bằng nẹp cứng (miếng gỗ, tre, bìa cứng…), để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở tay hoặc chân thì để thõng, không tự đi lại hoặc vận động, gọi người xung quanh hỗ trợ đưa đến cơ sở y tế gần nhất để để được xử trí kịp thời (kể cả khi vết cắn không đau, không chảy máu).

Không mất thời gian lấy lá thuốc, dùng hòn đá chữa rắn cắn, gây điện giật, chữa bằng mẹo...

Không nên cố bắt hoặc giết rắn, thay vào đó cần ghi nhớ hình dạng, màu sắc rắn hoặc chụp ảnh để giúp nhận dạng loài rắn dễ dàng hơn.

Trên đường vận chuyển đến cơ sở y tế, nếu bệnh nhân suy hô hấp cần được hô hấp nhân tạo (bằng thổi ngạt hoặc phương tiện y tế tại chỗ như bóp bóng…).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục