Đắk Lắk sẵn sàng các phương án ứng phó nếu phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ

Mai Lê, Đình Thi, icon
06:29 ngày 07/11/2022

VTV.vn - Trước nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng, kịp thời chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó khi có dịch bệnh Đậu mùa khỉ tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Trước cảnh báo về nguy cơ lây lan dịch bệnh đậu mùa khỉ của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quán triệt tinh thần "sớm một bước, cao hơn một bước" đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để chủ động tham gia cùng ngành y tế kiểm soát và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng sớm ban hành phương án hành động tạm thời phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh với 3 tình huống cấp độ nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế tử vong đến mức thấp nhất, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, xã hội chung của tỉnh.

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, sau khi Việt Nam ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh, ngành y tế tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành phương án hành động tạm thời phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Đồng thời tiến hành tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế ở cả khối điều trị và dự phòng, lên kịch bản ứng phó và tổ chức giám sát tại các khu vực đường mòn, lối mở, đường biên giới.

Các bệnh viện cũng đã chủ động trong chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế và nhân lực, sẵn sàng tổ chức khám sàng lọc, phân luồng, cách ly và thu dung, điều trị trong trường hợp phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ. Cùng với đó, tăng cường truyền thông bằng các hình thức phù hợp, linh hoạt để người dân trên địa bàn có nhận thức đúng về bệnh đậu mùa khỉ, từ đó thực hiện các biện pháp phòng tránh đối với dịch bệnh này.

Ngày 2/11, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận một trường hợp người dân có biểu hiện nổi mụn đỏ sau khi trở về từ Nam Phi. Ngay lập tức, Sở Y tế cũng đã có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức rà soát, các trường hợp đến địa phương có yếu tố dịch tễ bệnh đậu mùa khỉ. CDC cũng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như một ca mắc bệnh đậu mùa khỉ thực sự ngay khi phát hiện các yếu tố dịch tễ có yếu tố nghi ngờ mắc bệnh như lấy mẫu xét nghiệm, quá trình chờ kết quả xét nghiệm đã tiến hành điều tra những trường hợp tiếp xúc gần để có biện pháp xử lý nhanh nếu ca bệnh dương tính, tránh không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng...

"Rất may mắn trường hợp nổi mụn đỏ sau khi lấy mẫu làm xét nghiệm đã cho kết quả âm tính với virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Quá trình ghi nhận và xử lý trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ vừa qua là một đợt thực hành thực tiễn. Qua đó, ngành Y tế càng có kinh nghiệm củng cố thêm các hoạt động triển khai khi có ca bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện trên địa bàn", bác sĩ Lê Phúc chia sẻ thêm.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những ngày vừa qua, đơn vị đã có những phương án và hoạt động tích cực để sẵn sàng ứng phó khi có các ca bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viện đã triển khai phân luồng, cách ly các bệnh nhân có biểu hiện, yếu tố dịch tễ giống với triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ ngay từ bộ phận tiếp đón. Bên cạnh đó, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng 20 giường bệnh điều trị cho các bệnh nhân có yếu tố nghi ngờ mắc bệnh, 20 giường điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh nhẹ và khoảng 10 giường để chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân nặng. Việc chuẩn bị sẵn thuốc, trang thiết bị, nhân lực cũng được bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng.

Bên cạnh đó, việc tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát và điều trị bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được đơn vị triển khai. Trong đó tập trung vào việc thực hiện phân luồng, điều trị người bệnh khi xuất hiện ca bệnh nhằm đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả, phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế. Đồng thời, báo ngay cho đơn vị y tế dự phòng để phối hợp điều tra, truy vết.

Trước những diễn biến khó lường của bệnh đậu mùa khỉ, các cấp, ngành chức năng và người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh để công tác phòng, chống dịch đạt được hiệu quả. Triệu chứng chính của bệnh đậu mùa khỉ là phát ban dạng phỏng nước, mụn mủ, sốt, sưng hạch; bệnh có khả năng lây truyền từ động vật sang người hoặc người sang người qua tổn thương da, giọt bắn lớn đường hô hấp, dịch cơ thể hoặc vật dụng, quần áo nhiễm mầm bệnh… Khi phát hiện triệu chứng mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc có yếu tố dịch tễ đi từ vùng dịch về hoặc có tiếp xúc gần với người bệnh, người dân nên báo ngay cho các đơn vị y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, tránh nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục