Đảm bảo công tác điều trị bệnh tay chân miệng

Hoàn Lê, icon
06:16 ngày 22/07/2023

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hơn 2.200 ca mắc bệnh tay chân miệng, đặc biệt những tháng gần đây, bệnh này đang có chiều hướng gia tăng.

Nhân viên y tế theo dõi, chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng nặng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Phân tuyến trong điều trị tay chân miệng

Để công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng đạt hiệu quả cao, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước tham mưu và trình UBND tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng. Trong đó, chú trọng công tác truyền thông, bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị. Mục đích nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do dịch bệnh này.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tiếp nhận, theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng. Phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường. Các bệnh viện, đơn vị cần có biện pháp nhằm phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện, phân loại bệnh chính xác để điều trị phù hợp, củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng ở tuyến tỉnh.

Nhằm hạn chế quá tải trong công tác điều trị và hạn chế thấp nhất số ca tử vong, Sở Y tế Đồng Nai đã có hướng dẫn các cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện phân tuyến và điều trị bệnh nhân tay chân miệng theo các mức độ phù hợp. Bệnh tay chân miệng chia thành các độ 1, 2a, 2b, 3, 4. Càng lên cao, mức độ bệnh càng nặng.

Theo đó, các trạm y tế xã, phường, phòng khám đa khoa tư nhân, phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám chuyên khoa Nội, Nhi sẽ khám, điều trị ngoại trú những bệnh nhân độ 1 (nhẹ nhất). Các Trung tâm y tế huyện, thành phố, Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai và các bệnh viện đa khoa tư nhân khám, điều trị cho bệnh nhân bị độ 1 và độ 2a. Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, các bệnh viện đa khoa khu vực, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám, điều trị cho bệnh tay chân miệng tất cả các độ. Đối với các bệnh có mức độ 3, 4, khi không có đủ điều kiện hồi sức tích cực nhi thì cần chuyển tuyến và đảm bảo an toàn. Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh là đơn vị được Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phân công hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện điều trị tay chân miệng cho các bệnh viện khu vực phía Nam.

Sở Y tế đề nghị các cơ sở phối hợp chặt chẽ trong việc chuyển tuyến người bệnh, ghi chép đầy đủ các thông tin về diễn biến lâm sàng, kết quả xét nghiệm, phương pháp điều trị và các thuốc đã sử dụng.

Chủ động nguồn lực điều trị tay chân miệng

ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang, phụ trách Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca tay chân miệng phải thở máy. Tại Khoa Bệnh nhiệt đới, hiện cũng có gần 40 bệnh nhi tay chân miệng phải điều trị, theo dõi, tăng gấp 3-4 lần so với cùng kì. Bệnh tăng, nhiều ca bệnh diễn tiến nhanh, chuyển nặng bất ngờ. Dự đoán, bệnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nên khoa đã sắp xếp giường, phòng bệnh, thuốc, cố gắng chuẩn bị tối ưu nhất để kịp thời thu dung, điều trị cho trẻ.

BS.CKII Tạ Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận 27 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 17 trường hợp điều trị ngoại trú, 10 trường hợp được theo dõi nội trú, đa số bệnh nhân nhi tập trung nhiều ở nhóm trẻ dưới 4 tuổi, cư trú rải rác trên địa bàn huyện Định Quán và huyện Tân Phú, đến nay chưa có ca bệnh nào phải chuyển tuyến trên. Hiện bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị, máy móc, thuốc để điều trị tay chân miệng theo phân tuyến của Sở Y tế.

Là địa phương có số ca mắc tay chân miệng cao nhất tỉnh, BS.CKI Đậu Ngọc Trung, Trưởng khoa Phòng chống dịch bệnh – HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa cho biết, trong ba tuần gần đây, số ca mắc tay chân miệng tăng cao, bình quân mỗi tuần ghi nhận hơn 100 ca mắc. Do địa bàn Biên Hòa có nhiều bệnh viện, phòng khám và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai nên trẻ mắc bệnh đa phần đều đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế này, vì thế chúng tôi tập trung nhiều vào hoạt động phòng bệnh. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức cấp phát 600kg Cloramin B, 700 chai Javen và 200 cục xà bông để cho các phường, xã xử lý ổ dịch. Vừa qua, chúng tôi cũng đã tổ chức tập huấn cho hơn 500 giáo viên, nhân viên các trường mầm non, đồng thời cấp phát hơn 1 tấn Cloramin B để triển khai chiến dịch khử trùng tại các trường học.

Tay chân miệng diễn tiến theo phân 4 độ, trong đó, chỉ có độ 1 được điều trị tại nhà và tái khám hàng ngày; từ độ 2a trở lên phải nhập viện để theo dõi. Do đó, khi thấy con bị tay chân miệng, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục