Dây gắm giải độc khu phong

Văn Thành, icon
07:19 ngày 07/09/2020

VTV.vn - Theo Đông y, dây gắm có vị đắng, tính bình, có tác dụng khu phong, trừ thấp, thư cân hoạt huyết, giải độc, tiêu viêm, sát trùng.

Gắm thường mọc ở kiểu rừng kín thường xanh ẩm (Ảnh: Phạm Công Tuấn).

Theo Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, gắm thường mọc ở kiểu rừng kín thường xanh ẩm. Rễ và dây thu hái quanh năm, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô làm thuốc. Hạt luộc hay rang chín, ăn được.

Rễ và thân dây gắm thường dùng làm thuốc giảm đau, chữa phong tê thấp, sản hậu gầy mòn, giải các chất độc (ngộ độc thức ăn, sơn ăn da, rắn cắn); cũng dùng làm thuốc chữa sốt và sốt rét. Rễ gắm còn được dùng chữa kinh nguyệt không đều. Lá gắm giã đắp chữa rắn cắn. Ngoài ra, vỏ dây gắm đập lấy sợi bện dây nỏ hay dây thừng.

Liều dùng 15-20g có thể đến 30g, dạng thuốc sắc hay ngâm rượu uống. Để chữa thấp khớp, người ta thường phối hợp với các vị thuốc khác ngâm rượu uống.

Trong đầu tập Bách gia trân tàng, của bộ Hải Thượng Y Tôn Tâm Lĩnh có giới thiệu bài thuốc rượu kinh nghiệm chữa các chứng phong thấp xâm phạm vào xương tủy, ứ huyết, khắp mình tê đau, eo lưng đầu gối đau nhức, gáy và xương sống cứng đơ, tay chân tê dại, liệt nửa người.

Phương thuốc gồm: Rễ gắm 160g, Cây chân chim 100g, Rễ rung rúc 80g, Rễ bươm bướm 60g, Rễ chiêng chiếng 60g, Đương quy 40g, Ô dược 40g, Mấn đỏ (đàn bà dùng Mấn trắng) 40g, Cỏ xước 40g, Rễ bưởi bung 40g, Rễ cỏ chỉ 80g, Cỏ roi ngựa 20g, Rễ chỉ thiên 20g, Tầm gửi dâu 40g. Tất cả sao qua, tán thô, đùm vào một túi vải cho vào hũ rượu, trét kín miệng, đun nóng chừng tàn 1 cây hương rồi chôn xuống đất 3 ngày đêm, sau đó uống mỗi ngày 1-2 cốc nhỏ vào lúc đói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục