Điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh bằng phương pháp Ponseti

Tuấn Bảo, icon
09:01 ngày 15/01/2019

VTV.vn - Bàn chân khoèo là dị tật bẩm sinh thường gặp nhất trong các dị tật ở hệ vận động. Thống kê trên thế giới, cứ mỗi 1.000 trẻ em được sinh ra thì có 1 - 3 trẻ mắc dị tật này.

Nghệ An, mỗi năm, có hàng chục cháu bé sinh ra bị bệnh bàn chân khoèo chân bẩm sinh. Nếu trẻ không được điều trị sớm, khi lớn sẽ rơi vào cảnh tàn tật suốt đời.

Vợ chồng chị N.T.T.M (25 tuổi, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) vô cùng lo lắng đưa cậu con trai 1 tháng tuổi đến Bệnh viện Sản Nhi khám và điều trị. Từ khi mới sinh ra, đôi chân của của bé đã không bình thường như những đứa trẻ khác, chân bị cong, vẹo, hai bàn chân bị mắc chứng bệnh khoèo bàn chân bẩm sinh, một căn bệnh hiếm gặp.

Bé trai được đưa vào điều trị tại Khoa Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi và được TS.BS Thái Văn Bình điều trị bằng phương pháp Ponseti. Phương pháp Ponseti áp dụng trong điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh bằng nắn chỉnh nhẹ nhàng, bàn chân được bó bột để duy trì kết quả nắn. Các bước nắn và bó bột này được lặp lại mỗi tuần, trong 4 - 6 tuần. Dần dần, bàn chân sẽ trở về hình dạng bình thường. Có thể cần 1 tiểu phẫu gân gót để hoàn tất quá trình nắn sửa bàn chân, rồi bó bột giữ trong 3 tuần.

Sau khi tháo bột lần cuối, bé cần mang đôi nẹp dày, có gắn trên một thanh nằm ngang để ngăn ngừa tái phát. Bé cần mang nẹp giầy cả ngày lẫn đêm trong 3 tháng đầu tiên và sau đó tiếp tục mang ban đêm trong 3 năm. Nếu tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị, các cháu bé sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, tình trạng khoèo chân sẽ biến mất.

TS.BS Thái Văn Bình cho biết: bệnh bàn chân khoèo thường bị biến dạng ở xương và cổ bàn chân. Ước tính cứ 1.000 ca sinh thì thường có một đến ba em bé bị bệnh này. Bệnh xuất hiện ngẫu nhiên và không phải do lỗi ở mẹ trong thời kỳ mang thai hoặc không phải do di truyền từ gia đình. Có tới 80% dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh là không rõ nguyên nhân, 20% còn lại là do các bệnh lý khác đi kèm như cứng đa khớp bẩm sinh; các bệnh lý ở hệ thần kinh như não úng thuỷ, nứt đốt sống… Tuy nhiên, nếu bệnh nhi được phát hiện sớm, điều trị sớm thì trẻ sẽ phát triển một cách bình thường như những trẻ khác.

Tiến sĩ Bình cho biết thêm: phương pháp Ponseti có nhiều lợi thế hơn so với các phương pháp mổ kinh điển khác bởi có thể được tiến hành từ sớm, ngay từ khi trẻ mới sinh khoảng từ 2 - 3 ngày tuổi. Lúc này các tổ chức như xương chưa bị cốt hoá; gân, dây chằng chưa bị co kéo, biến dạng… vì vậy chỉ cần bó bột chỉnh hình và phẫu thuật chỉ với một vết chích nhỏ ở gân gót đã giúp hoàn thiện cho trẻ cả về thẩm mỹ và chức năng vận động mà không xâm lấn và làm tổn hại các tổ chức xung quanh như cơ, dây chằng… Do đó, phương pháp này vừa mang lại hiệu quả cao, chi phí không tốn kém.

Hiệu quả chữa bệnh khoèo chân sẽ cao hơn đối với trẻ dưới 2 tuổi, càng lớn càng khó chữa và tỉ lệ khỏi bệnh hoàn toàn không cao. Vì vậy, nếu sinh con ra có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trên cơ thể, đặc biệt là ở chân thì các ông bố, bà mẹ cần phải đưa ngay Bệnh viện để khám và điều trị kịp thời. Ở Nghệ An, nếu các gia đình quá khó khăn, khi đến khám và điều trị bệnh khoèo chân theo phương pháp Ponseti sẽ được tổ chức POF (Protheties Ontreach Foundation - Tổ chức từ thiện phi Chính phủ phi lợi nhuận của Mỹ) hỗ trợ một phần kinh phí đi lại, trang bị giày sau đó bó bột, TS.BS Thái Văn Bình khuyến cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục