Đồng Nai nỗ lực giảm bệnh nhân nặng, tăng bệnh viện dã chiến

Tin, ảnh: Anh Văn, icon
06:04 ngày 31/07/2021

VTV.vn - Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Đồng Nai đang diễn biến nhanh và rất phức tạp. Tính đến ngày 30/7, tổng số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 là gần 4.000 người.

Khu điều trị hồi sức tích cực của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai.

Mở rộng số giường tại các bệnh viện dã chiến

Đồng Nai đã thành lập 7 bệnh viện dã chiến bao gồm: Bệnh viện dã chiến số 1 tại Trung tâm Y tế huyện Thống Nhất, công suất gần 300 giường; Bệnh viện dã chiến số 2 tại Khu ký túc xá Trường đại học Lạc Hồng (TP. Biên Hòa), công suất gần 450 giường; Bệnh viện dã chiến số 3 tại khu Ký túc xá Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh (cơ sở 2 tại TP Biên Hòa), công suất gần 550 giường; Bệnh viện dã chiến số 4 tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng tỉnh (huyện Vĩnh Cửu), công suất gần 400 giường; Bệnh viện dã chiến số 5 tại Trường Cao đẳng Cơ giới Thủy lợi (huyện Trảng Bom), công suất hơn 350 giường; Bệnh viện dã chiến số 6 tại Khu ký túc xá Trường đại học Đồng Nai, công suất gần 1.200 giường. Bệnh viện dã chiến số 7 tại Ký túc xá Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa), công suất gần 600 giường.

Tỉnh tiếp tục khẩn trương hoàn thành Bệnh viện dã chiến số 8 tại Trường Đại học An ninh (huyện Long Thành), có số giường từ 800-1.000 giường và Bệnh viện dã chiến số 9 với quy mô 1.000 giường tại Trung đoàn Đồng Nai, huyện Xuân Lộc.

Nhằm đảm bảo đủ giường bệnh phục vụ cho bệnh nhân COVID-19, Đồng Nai đã chuyển đổi công năng của Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu thành bệnh viện điều trị COVID-19. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tổng số giường điều trị COVID-19 là 4.280 giường.

Đồng Nai nỗ lực giảm bệnh nhân nặng, tăng bệnh viện dã chiến - Ảnh 1.

Bệnh viện Dã chiến số 3 đang điều trị 500 người mắc COVID-19.

Tại buổi làm việc của PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương với BVĐN Thống Nhất Đồng Nai, Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ tỉnh thành lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tại bệnh viện với quy mô tối đa 380 giường. Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai đề nghị bệnh viện khẩn trương cải tạo tầng 5,6,7,8 của khu 10 tầng đang xây, lắp đặt hệ thống oxy trung tâm, camera… để sớm hoàn thành và tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng.

Với số giường ICU của Đồng Nai hiện có 150 giường và đang khẩn trương hoàn thành thêm một đơn vị hồi sức tích cực 200 giường tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Trong tình huống dịch diễn biến nguy hiểm hơn, Đồng Nai đã có kế hoạch thiết lập 700 giường điều trị tích cực.

Nỗ lực giảm bệnh nhân diễn biến nặng

BSCKII Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết: Kế hoạch của Đồng Nai cố gắng đạt 5.000 giường và có khả năng mở rộng từ 8.000 - 10.000 giường của các bệnh viện dã chiến. Cơ bản là tận dụng các ký túc xá, những nơi có sẵn tiện nghi cơ bản để nhanh chóng đưa vào sử dụng.

"Chúng tôi cũng tính toán, nếu dịch phức tạp khi số bệnh nhân tăng lên 5.000 người nhiễm, ở các mức độ, Đồng Nai có thể đảm đương được. Tuy nhiên, nếu vượt 5.000 người chắc chắn nguồn nhân lực sẽ thiếu" - bác sĩ Lê Quang Trung nói.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng đoàn thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai đang hỗ trợ Đồng Nai cho biết, thầy thuốc của bệnh viện nhiều ngày qua, ngoài việc đi buồng, đào tạo, kiểm soát nhiễm khuẩn theo hình thức cầm tay chỉ việc.

Đồng Nai nỗ lực giảm bệnh nhân nặng, tăng bệnh viện dã chiến - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Đồng Nai.

Trước tình hình bệnh nhân diễn biến nặng còn cao, thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai tư vấn cho lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, kiểm soát chặt chẽ quy trình chuyên môn, giảm tải số người bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh đang lọc máu.

Trong đợt kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, tình hình dịch bệnh ở Đồng Nai hiện đang có những diễn biến rất phức tạp. Do đó, Đồng Nai cần chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất để có những ứng biến phù hợp, tránh bị động, lúng túng.

Về vấn đề trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phòng chống dịch, theo Thứ trưởng, trước hết tỉnh cần phải tăng cường trang thiết bị, nhân lực, vật lực theo tinh thần 4 tại chỗ trước. Trong trường hợp cần thiết tỉnh cần đề xuất với Bộ Y tế về trang thiết bị, máy móc, kể cả nhân lực. Dựa vào nhu cầu của tỉnh, Bộ Y tế sẽ sẵn sàng hỗ trợ cả nhân lực và vật lực để tỉnh thực hiện tốt công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 và phòng, chống dịch bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục