Đồng Nai: Số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng cao

Linh Chi, icon
08:00 ngày 03/08/2020

VTV.vn - Trong những những tuần gần đây tại Đồng Nai, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, trong tuần gần đây, toàn tỉnh ghi nhận 118 trường hợp nhập viện do mắc sốt xuất huyết, tăng 41 ca so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 2.200 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. TP.Biên Hòa vẫn là địa phương dẫn đầu số ca mắc với gần 600 ca, tiếp đó là huyện Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh, huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom.

Trong khi đó, số ca mắc tay chân miệng tuần gần đây là 112 ca, tăng 28 ca so với tuần trước đó, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay trong toàn tỉnh lên hơn 870 ca. TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Nhơn Trạch là những địa phương có số ca mắc cao.

Để chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách: thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...); Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, thùng…).

- Hàng tuần, thu gom, loại bỏ các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

- Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày, nhất là trẻ nhỏ; Mặc quần áo dài tay; Hướng dẫn cách xua muỗi, tránh bị muỗi đốt cho trẻ lớn.

- Dùng bình xịt diệt muỗi, nhang muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi có các biểu hiện nghi ngờ sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị.

Với bệnh tay chân miệng, các biện pháp phòng bệnh như sau:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục