Đồng nhiễm Lao/HIV hiểm họa kép có thể ngăn chặn

Lê Thạch, icon
03:08 ngày 20/03/2018

VTV.vn - Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao gây ra, đồng nhiễm lao/HIV (bệnh lao/HIV) là chỉ người vừa có HIV vừa có bệnh lao.

Theo tổ chức Y tế thế giới, năm 2014 thế giới có 9,6 triệu người mới mắc lao, trong đó có 12% là người bệnh lao/HIV. Nguy cơ mắc lao ở người có HIV cao hơn ở người bình thường 20 - 37 lần. Bệnh lao tiến triển nhanh ở người có HIV đồng thời HIV cũng tiến triển nhanh khi bệnh nhân bị mắc lao. Lao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người có HIV.

Việc khám sàng lọc lao ở người có HIV rất quan trọng vì nếu mắc lao thì được điều trị kịp thời, nếu không mắc lao có thể được điều trị dự phòng lao.

Dấu hiệu khi mắc bệnh lao

- Ho khạc đờm kéo dài trên hai tuần, đây là dấu hiệu hay gặp nhất của bệnh lao phổi có thể kèm theo là sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi ban đêm, gầy sút cân, kém ăn, mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở, ho ra máu…

- Người có HIV nghi mắc lao khi có ít nhất một trong các dấu hiệu sau: Hiện tại có ho; sốt; sút cân; ra mồ hôi ban đêm.

- Trẻ em có HIV nghi mắc lao khi có ít nhất một trong các dấu hiệu sau: Không tăng cân hoặc thiếu cân so với độ tuổi hoặc sút cân từ 5% trở lên so với lần kiểm tra gần nhất; sốt; hiện tại có ho; có tiếp xúc với người bệnh lao; ra mồ hôi ban đêm.

Đồng nhiễm Lao/HIV hiểm họa kép có thể ngăn chặn - Ảnh 1.

Bệnh nhân lao phổi tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An

Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh lao

- Xét nghiệm đờm(đàm) là cách tốt nhất để xác định người nghi lao có mắc bệnh lao phổi hay không. Xét nghiệm sinh học phân tử đờm được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa lao.

- Nếu kết quả xét nghiệm đờm âm tính (AFB âm tính) mà người bệnh vẫn còn các dấu hiệu nghi ngờ mắc lao thì sẽ được hướng dẫn làm thêm một số xét nghiệm khác như: chụp Xquang phổi, nuôi cấy đờm tìm vi khuẩn lao.

- Người có HIV được ưu tiên làm xét nghiệm sinh học phân tử (GeneXpert) để phát hiện lao và lao đa kháng thuốc.

Điều trị bệnh lao đúng cách

- Khám và điều trị tại cơ sở chuyên khoa lao hoặc các cơ sở Y tế ( công và tư) có xác nhận của Chương trình chống lao Quốc gia.

- Dùng thuốc theo nguyên tắc " phối hợp thuốc, đúng, đủ, đều"

Dùng phối hợp thuốc từ 3-4 loại thuốc. Dùng thuốc đúng tên thuốc theo đơn, không tự ý bỏ bớt, thêm hoặc đổi thuốc. Dùng thuốc đủ liều và đủ thời gian ít nhất là 6 tháng. Dùng đều, dùng một lần duy nhất trong ngày, uống các thuốc cùng một lần cách xa bữa ăn ( trước1 giờ hoặc sau 2 giờ).

- Đi xét nghiệm đầy đủ, đúng hạn theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

- Người có HIV mắc lao sẽ được ưu tiên điều trị bằng thuốc ARV ngay sau khi bắt đầu điều trị lao.

Phòng mắc bệnh lao

- Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh theo lịch tiêm chủng; Phát hiện sớm người mắc bệnh lao và điều trị cho đến khi khỏi bệnh để không lây lan cho những người xung quanh; Điều trị dự phòng lao bằng thuốc Izoniasid (INH)theo hướng dẫn của cán Bộ y tế đối với trẻ em dưới 5 tuổi trong gia đình có người mắc lao và người có HIV; Đảm bảo điều kiện nhà ở thông thoáng, vệ sinh, dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe.

Người có dấu hiệu nghi lao cần đến các cơ sở chuyên khoa lao để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục