Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: "Việt Nam hoàn toàn có thể chấm dứt bệnh lao vào năm 2030"

Minh Đức, icon
04:24 ngày 25/03/2019

VTV.vn - Việt Nam vẫn nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc.

Ngày 24/3 là ngày Thế giới phòng, chống lao. Đây là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Mỗi ngày, có khoảng 4.500 người tử vong vì bệnh lao và có đến gần 30.000 người nhiễm bệnh. Nhằm hưởng ứng công tác phòng chống bệnh lao, Bộ Y tế đã tổ chức chương trình Chống lao Quốc gia, Sơ kết 5 năm triển khai Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao và Phát động Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình Chống lao Quốc gia - chia sẻ: "Hiện nay, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến tới hoàn thành mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Chúng ta có hành lang pháp lý khá đầy đủ cho chấm dứt bệnh lao như Nghị quyết Trung ương Đảng về mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao; Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Thông tư hướng dẫn phối hợp y tế công tư phòng chống lao, ưu tiên tiếp cận bảo hiểm y tế cho khám chữa lao và Chương trình chống lao vẫn được ưu tiên trong Chương trình Mục tiêu Y tế và Dân số 2015 - 2020".

Bên cạnh đó, hệ thống y tế phòng chống lao và bệnh phổi trên toàn quốc gồm 51 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao, 15 tỉnh có đơn vị chống lao thuộc các trung tâm, các bệnh viện đa khoa và tư nhân được đào tạo cùng với các đối tác trong nước và quốc tế tạo nên mạng lưới phòng chống lao mạnh hoạt động rất hiệu quả, có thể áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ mới vào Việt Nam.

Tại chương trình Chống lao Quốc gia, nhiều số liệu về tình trạng bệnh lao tại Việt Nam đã được đưa ra. Đáng lưu ý, Việt Nam vẫn nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc.

Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí chữa bệnh cao. Được biết, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, căn bệnh này thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Mặc dù Việt Nam được đánh giá có nhiều nỗ lực và hiệu quả hàng đầu về công tác phòng chống lao, nhưng hàng năm vẫn có tới 120.000 người nhiễm lao mới, 12.000 người chết vì bệnh lao (gấp 1,5 số người chết vì tai nạn giao thông). Tỷ lệ phát hiện lao trên thế giới là 61%, còn ở Việt Nam là 81%. Việc phát hiện sớm bệnh lao là vô cùng quan trọng và có tính quyết định với tỷ lệ chữa khỏi khoảng 25% trên thế giới và 75% ở Việt Nam. Thậm chí, ở Việt Nam, nếu người mắc lao lần đầu được phát hiện thì tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn trong vòng 4 - 6 tháng lên tới 90%.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, các Ban, ngành đã được yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người nhận thức được ý nghĩa của việc phát hiện sớm và điều trị bệnh lao, loại bỏ mọi rào cản từ phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.

Nằm trong khuôn khổ hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao, nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB.

Thời gian bắt đầu từ 00h00 ngày 10/3/2019 đến 24h00 ngày 9/5/2019. Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (18.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục