Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số

Văn Thành, icon
08:25 ngày 16/10/2020

VTV.vn - Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tồn tại dai dẳng trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, chất lượng nguồn nhân lực...

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số cho thấy: Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tảo hôn năm 2018 là 21,9%.

Trong nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tồn tại dai dẳng trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những khó khăn với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.

Tại Hội nghị Rà soát 5 năm việc thực hiện Đề án 498 về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025" vừa diễn ra, 70 đại biểu đến từ các 15 Ban dân tộc các tỉnh thành trong cả nước và các chuyên gia về bình đẳng giới đã thảo luận về những thành tựu, khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai Đề án 498.

Sau 5 năm triển khai, mặc dù có những tín hiệu cho thấy tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có giảm, nhưng vẫn chưa đạt so với mục tiêu chung của Đề án 498 là "Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số" và mục tiêu cụ thể "Giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao", "Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số vào năm 2025".

Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Việc rà soát thực hiện Đề án cho thấy một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa coi trọng đúng mức nhiệm vụ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chưa quan tâm chỉ đạo và bố trí ngân sách địa phương đầy đủ cho thực hiện Đề án. Công tác phối hợp giữa các đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện Đề án 498 chưa thường xuyên liên tục, thiếu đồng bộ.

Khi triển khai, đội ngũ công chức, viên chức của Ủy ban Dân tộc và hệ thống cơ quan công tác dân tộc chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để thực hiện có chất lượng các nhiệm vụ về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nói chung. Hoạt động nâng cao năng lực trong khuôn khổ Đề án 498 còn hạn chế về nguồn lực thực hiện nên chưa đạt kết quả như mong đợi.

Một bộ phận không nhỏ trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Một số hộ gia đình dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thường cho con tham gia lao động sớm, kết hôn sớm (từ trên 10 tuổi), để giảm áp lực về kinh tế cho hộ gia đình. Những yếu tố này đã gây khó khăn, cản trở trong việc triển khai thực hiện Đề án 498.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những biểu hiện rõ ràng về bất bình đẳng giới, vẫn còn tồn tại dai dẳng tại vùng dân tộc thiểu số. Việc thay đổi nhận thức và hành động của các cá nhân trong cộng đồng cần có hệ thống giải pháp tổng thể về phát triển kinh tế xã hội, đồng bộ, lâu dài và cách thức thực hiện cần phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của từng dân tộc, tuy nhiên điều này chưa được quan tâm đúng mức.

Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2021 - 2025, cần đặt vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong bối cảnh rộng lớn và đa chiều hơn. Cần thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng của phụ nữ, bảo đảm cho phụ nữ tham gia lãnh đạo, cũng như tham gia vào quá trình ra quyết định trong hộ gia đình và ở cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với mọi hình thức bạo lực đối với trẻ em gái và trẻ em trai dân tộc thiểu số, trong đó có tảo hôn cần phải là một ưu tiên quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số.

Nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện miền núi Nghệ An

Kỳ Sơn là huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An với phần lớn là đồng bào dân tộc sinh sống: Khơ Mú, Mông, Thái. Theo thống kê tới tháng 9/2020, trên địa bàn huyện có 78 cặp vợ chồng tảo hôn, chủ yếu là đồng bào người Mông.

Trong những năm qua, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn xảy ra, đặc biệt là lứa tuổi học sinh THPT và THCS.

rung chuong vang

Các em học sinh được trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản qua cuộc thi rung chuông vàng.

Thực hiện chương trình công tác năm 2020, Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh Nghệ An phối hợp Ban chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển huyện Kỳ Sơn tổ chức hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về Dân số - Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên trong các trường THPT.

Cuộc thi nhằm phổ biến kiến thức và giúp các em học sinh trên địa bàn huyện Kỳ Sơn hiểu được tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, kết hôn sớm, mang thai sớm; trang bị cho các em những kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục