Giúp cơ thể “hạ nhiệt” mùa Hè

Tuấn Bảo, icon
08:39 ngày 21/05/2018

VTV.vn - Nếu bạn có kế hoạch đi du lịch mùa hè, thậm chí ở trong nhà nhưng dưới nhiệt độ gần bằng hoặc cao hơn thân nhiệt cơ thể đây là tình trạng không tốt cho sức khỏe.

Hình minh họa (Ảnh: Alobacsi)

Theo bác sĩ Trần Văn Năm, Nguyên Phó viện trưởng, Viện Y Dược học Dân tộc, khi nhiệt độ môi trường tăng cao từ 32 – 40 độ C bạn có thể bị chuột rút và mệt mỏi; từ 40 – 54 độ C bạn càng bị kiệt sức, mệt lã và trên 54 độ C có thể sẽ bị sốc nhiệt.

Ảnh hưởng của nóng trên cơ thể

- Mức độ nhẹ: mất ngủ hoặc dễ thức giấc, vã mồ hôi, mệt mỏi, chóng mặt, nặng đầu, hoa mắt hoặc thoáng ngất khi đổi tư thế, nhịp tim nhanh – nhỏ, buồn nôn hoặc nôn.

- Mức độ nặng: kiệt sức, chuột rút, bủn rủn, sưng phù nơi tiếp xúc trực tiếp với nóng. Sốc: da đỏ, nóng, nhịp tim đập mạnh – nhanh, lơ mơ hoặc hôn mê, thân nhiệt tăng có thể đến 39 độ C.

Tất cả mọi người đều có thể gặp nguy hiểm khi nhiệt độ môi trường tăng cao. Tuy nhiên, các đối tượng sau đây cần lưu ý đặc biệt:

- Trẻ dưới 4 tuổi có thể chất yếu gầy và người trên 65 tuổi,

- Người làm việc trong môi trường thường xuyên thay đổi đột ngột từ môi trường lạnh sang nóng,

- Người thừa cân – béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, bệnh phổi – phế quản mạn tính,

- Người bệnh đang uống thuốc lợi tiểu, chống dị ứng, cocaine,

- Những người bệnh phải nằm bất động lâu dài cần sớm phát hiện nhiễm trùng phổi, đường tiết niệu và nặng thêm vết loét do tì đè (loét do nằm lâu).

Các biện pháp cần thực hiện để phòng biến cố do nóng

- Không tập thể dục thể thao quá sức dưới cái nắng gay, nên tập vào sáng sớm hoặc chiều tối. Vì nóng gây ra vã nhiều mồ hôi nên cần tránh mất nước và rối loạn điện giải: uống đủ nước (cơ thể đủ nước khi nước tiểu trong và không đậm màu), bổ sung chất điện giải,

- Không mặc quần áo quá dày hoặc quá nóng, nơi ở ngột ngạt không thoáng khí,

- Khi đi dưới nắng nóng phải trang bị đủ nón, ô che nắng, áo khoác.

- Phải lau khô mồ hôi trước khi tắm, sau khi tắm tránh nơi gió lùa. Không nên tắm quá lâu và quá nhiều lần để tránh cơ thể "nhiễm lạnh", đặc biệt trẻ em và người cao tuổi có các bệnh lý tim mạch.

Sử dụng các loại nước uống từ thiên nhiên giúp cơ thể "giải nhiệt"

Khí hậu Việt Nam có những thời điểm nắng nóng gay gắt, nhưng bù lại chúng ta cũng được ưu đãi về hệ thực vật rất đa dạng và phong phú. Rất nhiều loại rau củ vừa là lượng thực vừa là dược liệu có tác dụng bảo vệ cơ thể khi cần thiết.

Mỗi gia đình đều có thể mua về ăn các loại củ, trái cây hoặc tự chế biến một số dạng "nước mát" có tác dụng ổn định nội môi (môi trường bên trong cơ thể) của cơ thể phòng tác động xấu do thời tiết nóng gây ra.

Nếu có điều kiện chúng ta có thể chuẩn bị chế biến một số dạng nước uống rẻ tiền, dễ tìm dưới đây: Các loại nước "sâm mát" từ thảo dược có tác dụng bù nước, chất khoáng. Đặc biệt tăng cường chức năng hoạt động thanh lọc, bảo vệ cơ thể của 2 cơ quan trọng yếu là gan (lợi mật, hóa giải độc tố), thận (lợi tiểu, thải độc):

- Mía nấu với nha đam: giúp bù nước và thanh lọc cơ thể, cách làm: Nha đam khoảng 2 lá trung bình, gọt bỏ vỏ xanh lấy phần thịt mềm bên trong, rửa qua dưới vòi nước, xắt thành miếng nhỏ cho vào nồi, rót chung vào khoảng 150 ml nước mía ép nguyên chất và khoảng 1 lít nước, đun lên vừa sôi sẽ sử dụng được.

- Trà Bí đao: bí đao khoảng 1 kg (để vỏ, rửa sạch, bỏ ruột, xắt thành miếng nhỏ), nước mía ép khoảng 150 ml,lLá dứa thơm từ 2-3 lá (vò sơ qua hoặc cắt thành từng miếng). Cho vào 2 lít nước nấu sôi còn khoảng 1,5 lít, lọc bỏ xác giữ lạnh uống thay nước.

- Nước hạ nhiệt: râu bắp 15g, mã đề 15g, Cây thuốc dòi 20g, mía lau 15g, rễ cỏ tranh 20g, cam thảo đất 15g. Nấu sôi khoảng 2 lít nước còn 1,5 lít uống thay nước cả ngày.

- Nước lá dâu: câylLẻ bạn 20g, lá dâu tằm ăn 20g, lá dứa thơm 10g, củ năng 15g, mía 15g. Đun sôi với 2 lít nước sạch còn khoảng 1,5 lít, giữ lạnh uống trong ngày.

- Thạch sương sâm: lá sương sâm , lá sương sáo (tự vò hoặc mua ở dạng bột chế biến sẵn có bán trong siêu thị) cho thêm mủ cây trôm và ít đường thốt nốt cho dễ ăn.

- Nước uống hạt é: hạt é, trái lười ươi lượng vừa đủ, ngâm khoảng 30 phút đến 1 giờ. Riêng Trái Lười ươi phải bỏ vỏ lấy phần cơm (mềm, nhày). Cho thêm ý dĩ và ít nhãn nhục (hoặc quả táo) nấu chung với ít nước ép mía nguyên chất hoặc ít đường thốt nốt là thứ nước uống vừa giải khát vừa giải "nhiệt" cho cơ thể.

Ngoài ra có thể sử dụng nước gạo lứt, nước atiso nấu với lá dứa cũng là các loại nước uống được nhiều người ưa thích.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục