Hà Nội: Phát hiện gần 600 ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong 1 tuần

Minh Đức, icon
02:36 ngày 27/06/2017

VTV.vn - Từ ngày 19 - 25/6, Hà Nội đã ghi nhận thêm 574 ca mắc sốt xuất huyết mới, các ổ dịch phân bố ở nhiều quận huyện trên địa bàn.

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội, chỉ trong vòng một tuần qua, từ 19 - 25/6 đã có 574 ca mắc sốt xuất huyết được phát hiện, trong đó có nhiều ổ dịch từ 2 - 3 người mắc trở lên. Những ca mắc bệnh mới được phát hiện phân bố ở nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố, có những địa bàn có số trường hợp nhiễm bệnh cao như Hoàng Mai 129 ca, Đống Đa 127 ca, Hai Bà Trưng 46 ca, Hà Đông 35 ca, Thanh Trì 32 ca, Nam Từ Liêm 32 ca, Thanh Xuân 30 ca...

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng tăng nhanh. Nguyên nhân là bởi thời tiết đang mùa nắng nóng, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Tình trạng thiếu nước sạch, đặc biệt là vào mùa hè đã khiến người dân Hà Nội tích trữ nước trong bể, thùng, xô...để sử dụng. Những dụng cụ trữ nước này không có nắp đậy hoặc đậy không kín là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển.

Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận trên 2.500 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có một trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt, Đống Đa. Trong tổng số các ca bệnh từ đầu năm được ghi nhận thì tại quận Đống Đa có đến 626 trường hợp mắc bệnh, chiếm hơn 28 % số bệnh nhân toàn thành phố. Hiện gần 90% bệnh nhân đã khỏi, chỉ còn 270 trường hợp vẫn đang điều trị tại các bệnh viện.

Trong thời gian qua, Trung tâm y tế Dự phòng TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm y tế quận, huyện để triển khai phối hợp nhiều biện pháp chủ động phòng và hạn chế sự lây lan của dịch sốt xuất huyết. Các đơn vị này đã tổ chức điều tra, giám sát côn trùng tại gần 2.000 điểm ổ bệnh cũ, ổ dịch mới, nơi có người bệnh nghi sốt xuất huyết hoặc có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Thành phố cũng đã phát động và hoàn thành chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết đợt 1 tại 30 quận, huyện; 930.183 hộ gia đình đã được tuyên truyền, kiểm tra và loại trừ ổ bọ gậy, đạt 95,2%; điều tra được 1.331.948 dụng cụ chứa nước, phát hiện và xử lý 87.611 dụng cụ chứa nước có bọ gậy; sử dụng 92.941 con cá và hơn 195.000 gói hóa chất để diệt bọ gậy.

Mặc dù ngành y tế đã có rất nhiều cố gắng nhưng dịch bệnh vẫn có xu hướng gia tăng mạnh. Nguyên nhân là công tác điều tra xử lý ổ dịch nhỏ chưa triệt để và chất lượng chiến dịch diệt bọ gậy còn hạn chế. Nhiều địa phương chưa lập được danh sách hộ gia đình trong khu vực ổ dịch; số hộ gia đình tham gia phun hóa chất chưa đạt tỷ lệ mong muốn là trên 90%. Chiến dịch diệt bọ gậy ở một số xã, phường còn nặng về hình thức mà chưa làm quyết liệt, triệt để dẫn đến vẫn còn những ổ bọ gậy ngay sau chiến dịch.

Bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Do vậy, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần, các gia đình cần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai,... Trong trường hợp bị sốt cao liên tục nhiều ngày, người dân cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục