Hà Nội: Tăng cường quản lý chặt chẽ để tiết giảm chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Hoàng Điệp, icon
06:12 ngày 25/12/2022

VTV.vn - Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị giao ban công tác giám định bảo hiểm y tế.

Hình minh họa.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội, ước tính đến ngày 31/12/2022, toàn thành phố có 7.738.435 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 256.303 người so với năm 2021; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,9% dân số, vượt chỉ tiêu được HĐND, UBND Thành phố giao.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám chữa bệnh BHYT, trong năm 2022, BHXH thành phố ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 186 cơ sở khám chữa bệnh BHYT (trong đó 25 bệnh viện tuyến Trung ương, 48 bệnh viện tuyến thành phố, 42 bệnh viện tuyến huyện, 33 trung tâm y tế, 17 phòng khám đa khoa…).

Để quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT, trong năm 2022, BHXH thành phố đã triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội về quản lý chi phí khám, chữa bệnh, đồng thời, tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản thực hiện dự toán chi khám chữa bệnh BHYT năm 2022 theo Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 26/8/2021 về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, BHXH thành phố đã hoàn thành phân bổ dự toán chi khám chữa bệnh BHYT 2022; triển khai công tác rà soát, tích hợp dữ liệu; tổ chức giám định theo chuyên đề, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và các cơ sở khám chữa bệnh trong công tác đấu thầu mua thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, BHXH TP. Hà Nội đã phối hợp với cơ sở y tế đẩy mạnh triển khai thực hiện tiếp nhận, làm thủ tục cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip. Việc này nhằm đẩy mạnh thực hiện thay thế thẻ bảo hiểm y tế trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, người dân chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID).

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại đã có 4.800.404 người có thẻ BHYT trên địa bàn thành phố đã được đồng bộ có thể sử dụng căn cước công dân để đi khám chữa bệnh; Có 590 cơ sở khám chữa bệnh áp dụng căn cước công dân tra cứu khám chữa bệnh; số lượt sử dụng căn cước công dân tra cứu khám chữa bệnh là trên 271 nghìn lượt.

BHXH thành phố cũng ứng dụng hiệu quả Hệ thống thông tin giám định BHYT, đẩy mạnh triển khai cài đặt ứng dụng VSSID-BHXH số nhằm cung cấp kịp thời thông tin về chi phí khám chữa bệnh BHYT để công khai minh bạch, người bệnh BHYT biết và tự giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Phan Văn Mến yêu cầu bộ phận giám định BHYT tăng cường quản lý chặt chẽ, tiết giảm chi phí khám chữa bệnh BHYT; rà soát các điều kiện pháp lý trong khám chữa bệnh như danh mục thuốc, vật tư y tế, điều kiện hành nghề của bác sĩ…; đôn đốc các cơ sở y tế đẩy dữ liệu lên hệ thống giám định BHYT hàng ngày; phân tích chi phí bất thường để điều chỉnh ngay; thực hiện phân công giám định viên, giám định theo nhóm, xây dựng chuyên đề giám định hàng tháng. Đồng chí cũng yêu cầu 2 phòng Giám định BHYT, BHXH quận, huyện, thị xã chủ động, sáng tạo, đoàn kết thực hiện thành công nhiệm vụ được giao năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục