Hơn 100 con ong tấn công khiến bé 11 tuổi bị suy đa tạng

Lê Thạch, icon
03:16 ngày 14/08/2018

VTV.vn - Trong khi trèo lên nhà tắm kiểm tra đường nước, bé B.X.T (11 tuổi, trú tại Quỳnh Hoa, Quỳnh Long, Nghệ An) dẫm phải tổ ong vò vẽ, bị đốt nhiều nốt, sưng tấy toàn thân.

Bệnh nhi được tiến hành lọc máu cấp cứu.

Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhân bé T. trong tình trạng nguy kịch, niêm mạc nhợt, khó thở, nước tiểu đỏ, suy đa tạng, men gan tăng, rối loạn đông máu do bị bầy ong đốt khoảng hơn 100 nốt.

Sau hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, lọc máu liên tục nhiều giờ. Đến thời điểm này, bệnh nhi đã tỉnh, thoát sốc, chức năng gan, thận đang hồi phục.

Bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh – Trưởng Khoa Hồi sức chống độc cho biết: lọc máu liên tục sử dụng hiệu quả cho các trường hợp bệnh nhân suy đa phủ tạng, suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy gan cấp, suy tim kháng trị, viêm tụy cấp, ngộ độc nặng…

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục từ tháng 1-2016. Tính đến nay, bệnh viện đã cứu sống 30 bệnh nhân nặng nhập Khoa Hồi sức chống độc bằng kỹ thuật lọc máu liên tục. Trước đây, khi chưa ứng dụng kỹ thuật lọc máu liên tục, các ca bệnh nguy kịch như  trên phải chuyển viện lên tuyến trên để điều trị trong tình trạng nguy hiểm.

Nhân đây các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bị ong đốt, cần lưu ý sơ cứu kịp thời:

- Nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi khu vực có ong, đặt người bị ong đốt nằm yên tại chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền nhanh trong cơ thể.

- Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra. Tuyệt đối không dùng tay nặn ép lấy ngòi vì có thể làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể.

- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng, uống nhiều nước để loại thải các độc tố.

- Đưa người bị đốt tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Mùa hè là thời điểm tai nạn do ong đốt gia tăng. Vì vậy, người dân cần lưu ý:

- Tránh tiếp xúc với ong, không kích động hoặc chọc phá tổ ong. Khi ong bay đến, không chạy, nên đứng hoặc ngồi im không cử động.

- Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi ong vào nhà làm tổ cần phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình. Nên phá ngay khi tổ mới xây (thường tháng 3-4).

- Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Nên đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.

- Để loại bỏ tổ ong nên dùng khói, bình xịt côn trùng xua ong đi hết sau đó dùng lưới mắt nhỏ hoặc màn bọc tổ ong gỡ đi. Người thực hiện cần mặc quần áo dày, áo mưa (loại nhựa dày), đi găng và đầu đội mũ kín.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục