Khắc phục bệnh trĩ sau sinh

P.V, icon
10:55 ngày 13/12/2019

VTV.vn - Có đến 95% bà mẹ sau sinh phải đối mặt với bệnh trĩ. Dần dần, qua thời gian, nó có thể hết đi, nhưng với một số người nó lại nặng hơn, đến mức phải mổ để cắt bỏ.

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của bác sĩ Đỗ Tiến Dũng, Khoa Sản, Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội, trong giai đoạn mang thai, phụ nữ thường hay bị rối loạn tiêu hóa, táo bón cho nên rất dễ bị trĩ. Ngoài ra, ở các tháng cuối khi thai ngày càng to, đè lên vùng bụng làm các mạch máu bị chèn ép, các tĩnh mạch ở tầng sinh môn và đáy chậu cũng bị chèn ép, khó lưu thông dẫn đến cương lên, sẽ tạo thành búi trĩ.

Bên cạnh đó, trong quá trình vượt cạn, việc rặn đẻ (đối với sinh thường) làm tăng áp lực lên ổ bụng, khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài. Đối với một số trường hợp khác, bị rạch tầng sinh môn, khi khâu có thể bị khâu chít vào một số mạch máu ở hậu môn, cũng dẫn đến trĩ. Sau sinh, tử cung mở to, tăng áp lực khoang chậu, tụ máu sưng phù tĩnh mạch ở phần hậu môn, lại bị trĩ nữa.

Dù một số phụ nữ may mắn thoát được mấy cửa ải này thì trong suốt quá trình ở cữ, do ăn uống kiêng kem: không ăn nhiều rau, ít uống nước, ngại đau không đi vệ sinh thường xuyên cũng khó tránh được căn bệnh dai dẳng này.

Để phòng căn bệnh này, phụ nữ trước và sau sinh cần tuân thủ những điều dưới đây:

Ăn nhiều rau xanh: Nên ăn nhiều các loại rau lang, mùng tơi, mộc nhĩ và hoa quả. Ưu tiên chuối, khoai, ăn thêm đồ hỗ trợ tiêu hóa như sữa chua, ăn đồ làm mát người như bột sắn, uống thêm thảo dược hỗ trợ như rau má, diếp cá... Sau sinh có thể ăn chè nấu vừng đen vừa nhuận tràng vừa lợi sữa.

Mỗi buổi sáng thức dậy nên uống một cốc nước sôi nguội vào mùa hè và nước sôi ấm vào mùa đông. Mỗi ngày uống đủ 2 lít nước. Không ngồi quá nhiều, đặc biệt tránh ngồi xổm; vận động ở mức độ trung bình, không nên gắng quá sức; hạn chế các chất kích thích như rượu bia, đồ ăn cay nóng…

Đối với những người đã bị bệnh trĩ, cần vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh, nếu được thì nên pha thêm vào hạt muối để sát khuẩn. Tránh ngồi xổm, thường xuyên vận động, đi lại. Tập bài Kegel co, nhún hậu môn để các cơ quan hậu môn luôn hoạt động, tăng lưu thông máu phòng và trị các chứng ứ huyết tĩnh mạch, trĩ nội, trĩ ngoại, táo bón, viêm ruột mãn tính, viêm và tổn thương da hậu môn. Rất có lợi cho sức khỏe, nhất là đối với người cao tuổi. Thỉnh thoảng lại co, nhún hậu môn nhiều lần từ 1 - 2 phút. Sau khi đại tiện phải co nhún ngay 2 - 3 phút để nhanh chóng phục hồi cơ năng hậu môn, tránh lòi dom.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục