Khánh Hòa: Nan giải công tác phòng chống sốt xuất huyết

Minh Trúc - Nguyễn Nam , icon
04:59 ngày 12/08/2013

 Diễn biến bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên ngày càng diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm. Trong đó, Khánh Hòa là một trong những điểm nóng nhất trong cả nước về bệnh dịch này.

Gia đình chị Phan Thị Ngọc Thủy, phường Phước Long, TP Nha Trang, do chủ quan nên với dịch bệnh nên cả hai con của chị đều mắc sốt xuất huyết phải nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, nôn ra máu và choáng nặng. Dù đã qua mấy ngày điều trị, nhưng cả 2 bé vẫn phải nằm trong phòng cấp cứu như thế này.

Chị Phan Thị Ngọc Thủy cho biết: “Tôi cũng có nghe nói về bệnh sốt xuất huyết, nhưng không biết bệnh lại có thể diễn biến nặng tới như vậy. Cũng do mải làm việc, các con mắc bệnh mà không biết, khi thấy các cháu sốt tôi cho đi khám bác sĩ tư, mãi khi bệnh nặng vào bệnh viện mới biết cháu bị sốt xuất huyết”.

‘ Bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm trên địa bản tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Đài PT-TH Khánh Hòa)

Tâm lý chủ quan, biết được nguy cơ nhiễm bệnh nhưng không có những hành động thiết thực để phòng chống bệnh là hiện trạng chung của nhiều người dân. Mặc dù ngành y tế và cán bộ thôn, xã đã hướng dẫn nhắc nhở nhưng vẫn chưa thay đổi được thái độ của người dân.

Chị Trương Thị Kim Luyến, Trưởng Ban Phòng chống sốt xuất huyết xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang cho biết: “Người dân còn rất thờ ơ với dịch bệnh, có bệnh rồi mới chữa chứ không xem trọng công tác phòng chống dịch bệnh. Có trường hợp, chúng tôi nhắc nhở dọn dẹp để phòng chống bệnh nhưng hôm sau tới vẫn còn bọ gậy”.

Rõ ràng, chính sự lơ là, chủ quan của người dân đã góp phần không nhỏ khiến bệnh dịch cứ ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch mà còn tạo nên sự quá tải ở khu vực điều trị bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Đông, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Trong thời gian gần đây, bệnh sốt xuất huyết tăng trở lại và có rất nhiều ca nặng. Khoa Nhiễm được giao cho 50 giường bệnh, tuy nhiên chúng tôi luôn luôn vượt số giường bệnh này. Có ngày, 62 bệnh nhân tới khám đã có tới 48 ca sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca nặng mà 2 ca nặng này là hai chị em ruột trong cùng một nhà".

Một yếu tố khác khiến bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến phức tạp hơn các địa phương khác là sự xuất hiện khác thường của nhiều tuýp virus.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thu, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Khánh Hòa cho biết: “Trước đây, Khánh Hòa chỉ có 1, 2 tuýp virus lưu hành, nhưng năm 2012 có đến 4 tuýp virus D1, D2, D3, D4 xuất hiện cùng lúc. Cho tới những tháng đầu năm 2013, chúng tôi phân lập được 3 tuýp virus là D1, D3, D4 chỉ trừ D2. Càng nhiều tuýp virus thì mỗi người có khả năng mắc bệnh nhiều lần, bởi vì ai mắc tuýp nào thì chỉ miễn dịch với tuýp virus đó mà không miễn dịch với tuýp virus khác”.

Từ tháng 7/2013, trung bình mỗi tuần, toàn tỉnh ghi nhận trên 200 ca mắc mới. Hiện tại, số người mắc sốt xuất huyết/ tuần của toàn tỉnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Tỉnh Khánh Hòa vẫn đang là địa phương dẫn đầu về số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước. Thống kê của ngành y tế, tính đến đầu tháng 8/2013, toàn tỉnh có gần 4.200 ca sốt xuất huyết, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2012; trong đó đã có 2 trường hợp tử vong.

Cùng chuyên mục