Khi nào nên phẫu thuật cho bệnh nhân tim bẩm sinh?

Thảo Vi, icon
02:35 ngày 27/08/2018

VTV.vn - Trong buổi livestream của chương trình, PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã giải đáp những thắc mắc cần biết về bệnh tim bẩm sinh.

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh tại Việt Nam thuộc hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới hơn 50%. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có thẻ bảo hiểm y tế khiến các em ngày ngày phải sống chung với bệnh tật, chưa được điều trị kịp thời và dứt điểm.

Những tổn thương tim bẩm sinh gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải cứ phát hiện bệnh là các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật. Việc lựa chọn thời điểm mổ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ nguy cấp của bệnh, điều kiện sức khỏe hiện tại của bệnh nhân. Bên cạnh đó, độ tuổi cũng ảnh hưởng rất lớn tới quyết định phẫu thuật. Vậy đâu là khoảng thời gian thích hợp để bệnh nhân tim bẩm sinh có thể mổ?

Nhằm giúp các bậc phụ huynh giải đáp thắc mắc trên, chương trình Trái tim cho em đã thực hiện buổi livestream với chủ đề "Khi nào nên phẫu thuật cho bệnh nhân tim bẩm sinh?". Trong buổi phát sóng trực tiếp của chương trình, có sự tham gia tư vấn của PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Khi nào nên phẫu thuật cho bệnh nhân tim bẩm sinh? - Ảnh 1.

PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Từ năm 1990, tại Việt Nam chỉ áp dụng phương pháp chạy máy tuần hoàn tim và mổ hở. Tuy nhiên, phương pháp này để lại nhiều biến chứng cũng như sẹo lớn cho người bệnh. Hiện nay, trình độ và phương pháp tiến hành của Việt Nam đã tương đương tầm khu vực, khá nổi tiếng với lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh. Rất nhiều buổi hội thảo trong khu vực đã được diễn ra để chia sẻ về các phương pháp, kiến thức tim bẩm sinh.

Cùng với sự phát triển của khoa học, kĩ thuật trong y học, hiện nay, phương pháp can thiệp sử dụng công cụ luồn mạch máu từ dưới đùi để bít lỗ hở trong tim được áp dụng. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng cách mổ nội soi để điều trị những lỗi rất nhỏ. Thậm chí nhiều bệnh sử dụng được cả robot với các bệnh đơn giản.

Đối với phẫu thuật tim bẩm sinh ở trẻ em, trẻ cần mổ sớm trong 2 trường hợp: Nếu bệnh ảnh hưởng tới tính mạng, ví dụ như cơ thể tím sớm, ốm yếu; Có luồng thông trái phải, ảnh hưởng tới sự phát triển (còn ống động mạch). Về cơ bản, bệnh nhân cần có bác sĩ tư vấn để hiểu trường hợp của trẻ, từ đó đưa ra các chỉ định phẫu thuật phù hợp. Trẻ nhỏ ăn được, bú được nhưng không lên cân và bị nhiễm trùng tái đi tái lại. Bệnh tự khỏi như thông liên thất có thể chờ được. Tuy nhiên, với trường hợp thông liên thất nặng thì cần mổ sớm.

Nếu tình trạng bệnh cần phải phẫu thuật nhiều lần, các cuộc phẫu thuật cách nhau phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bé. Có quy định dựa vào nghiên cứu khoa học như bệnh nhân mổ Fallot 4 làm cầu nối thì chỉ nên làm trong 6 tháng đầu tiên, sau 6 tháng thì nên mổ sửa toàn bộ. Bệnh nhân phẫu thuật Glenn thì 4 năm sau nên mổ sửa toàn bộ (trước 6 tuổi). Tuy nhiên, cũng cần sự tư vấn của bác sĩ để có thể phẫu thuật vào thời điểm hợp lý nhất.

Những điều kiện cần có để đảm bảo cuộc phẫu thuật tim bẩm sinh ở trẻ em thành công phụ thuộc vào: Phương pháp mổ đúng, khả năng hồi sức của bệnh viện và tay nghề của bác sĩ. Về phía gia đình, cần phải đưa con đi thăm khám kịp thời để đưa ra được những phương pháp điều trị hợp lý.

Sau khi trẻ được phẫu thuật tim bẩm sinh, bố mẹ hãy để con được thoải mái phát triển, không nên cấm cản bé tham gia các hoạt động thông thường.

Quý vị có thể xem lại livestream trên fanpage của chương trình Trái tim cho em:

Cùng chuyên mục