Khó khăn trong công tác triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19

Mai Lê, Quang Nhật (Sở Y tế Đắk Lắk), icon
06:30 ngày 28/10/2022

VTV.vn - Dù ngành Y tế Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh tiêm vaccine nhưng với tâm lý chủ quan của người dân, công tác tiêm chủng hiện gặp nhiều khó khăn.

Hình minh họa.

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Nhờ sự chủ động của ngành Y tế, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, Đắk Lắk đã thoát nhóm có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 thấp cho người 18 tuổi trở lên trong cả nước với 100% đối tượng tiêm mũi đủ liều cơ bản, 88,3% tiêm mũi 3 và 77,1% tiêm mũi 4 (số liệu tính đến ngày 6/10/2022). Tuy vậy, tỷ lệ tiêm vaccine cho đối tượng từ 5 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh hiện còn khiêm tốn và mục tiêu "phủ sóng" vaccine tạo miễn dịch cộng đồng vẫn còn bỏ ngỏ khi còn rất nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ.

Tâm lý chủ quan của người dân cùng sự quan tâm chưa đúng mức của các cấp ngành, địa phương là những tác nhân khiến công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Sự xuất hiện của các biến chủng mới, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 toàn tỉnh vẫn còn thấp, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Tại huyện Lắk, mặc dù thời gian qua địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, song đến thời điểm này, huyện vẫn còn nhiều địa bàn "vùng lõm" tiêm chủng với tỷ lệ tiêm rất thấp. Tính đến nay, toàn huyện mới có trên 50% số xã có tỷ lệ tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong khi ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi thì tỷ lệ tiêm mũi 2 mới đạt 47,8%.

Đơn cử như tại xã Đắk Nuê, mặc dù không thiếu vaccine, nhân lực làm công tác tiêm chủng luôn sẵn sàng nhưng người dân chẳng mấy "mặn mà". Theo chị Đặng Thị Mỹ Hạnh, Trạm phó Trạm Y tế xã, căn nguyên của vấn đề trên là do thời điểm dịch COVID-19 mới bùng phát, người dân ai cũng mong chờ vaccine để được tiêm, thế nhưng, chỉ sau một đợt nhiễm bệnh, tâm lý chủ quan xuất hiện ở đại bộ phận người dân vì cho rằng tiêm vaccine rồi vẫn nhiễm COVID-19 và đã có kháng thể nên không cần tiêm thêm mũi nhắc lại.

Đáng cảnh báo là xuất hiện nhiều luồng thông tin đánh giá vaccine phòng COVID-19 gây biến chứng ảnh hưởng nặng đến sức khỏe, gây suy giảm trí nhớ… sau đó người dân truyền tai nhau, tạo hiệu ứng đám đông dẫn đến tỷ lệ tiêm đạt thấp.

Thực tế, khó khăn của xã Đắk Nuê cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương ở huyện Lắk. Dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đồng thời tranh thủ người có uy tín và chức sắc tôn giáo để vận động tín đồ tự giác tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng đến nay, vẫn chưa thể thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân này.

Tương tự, dù có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với các địa phương khác của tỉnh về vị trí địa lý, trình độ dân trí, nhưng tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của TP. Buôn Ma Thuột vẫn đang ở mức thấp.

Bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Thời gian qua, số người dân chủ động đến các điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 có xu hướng tăng, tuy nhiên thành phố vẫn còn một số "vùng lõm" về tiêm chủng. Đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19 của thành phố mới đạt 45,6%; ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi có tỷ lệ tiêm mũi 2 mới chỉ đạt 54,9%.

"Khó khăn lớn nhất của ngành Y tế hiện nay là có nhiều luồng thông tin sai lệch về tác dụng phụ của vaccine phòng COVID-19 khiến nhiều người dân trì hoãn tiêm hoặc không đồng ý tiêm cho con em mình. Một số phụ huynh cũng có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, e ngại ảnh hưởng đến sức khỏe sau này nên không tích cực đưa trẻ đi tiêm khiến công tác tiêm chủng khó chồng thêm khó", bác sĩ Võ Minh Hùng phân tích.

Theo bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được Bộ Y tế phát động từ giữa tháng 4/2022. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương tăng tốc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trong tháng 8/2022 nhưng tỷ lệ tiêm trên địa bàn tỉnh vẫn không thể đạt yêu cầu.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do người dân đã mắc COVID-19 trong thời gian qua có xu hướng tăng, một số trường hợp đã tiêm 3 mũi vaccine vẫn nhiễm COVID-19 lần 2, mặc dù đủ thời gian để tiêm nhắc lại nhưng có tâm lý chủ quan và không muốn tiêm liều vaccine tiếp theo. Nhóm khác lo ngại phản ứng tại mũi tiêm tiếp theo do mũi tiêm trước từng có phản ứng, kèm theo tình hình dịch bệnh không còn căng thẳng và tâm lý cho rằng nếu mắc bệnh cũng không còn nghiêm trọng nên càng không muốn tiêm.

Cùng với đó, hầu hết các địa phương có rất đông người dân đi làm ăn xa nơi cư trú nên không đến cơ sở y tế tiêm vaccine. Một số nơi, các cơ quan, ban, ngành hiện không còn quyết liệt tham gia hỗ trợ ngành y tế trong quá trình triển khai tiêm chủng. Công tác truyền thông, giám sát và các hoạt động khác bị hạn chế do chưa được cấp kinh phí phục vụ chiến dịch tiêm chủng trong nhiều tháng qua, cùng một số nguyên nhân khác đang đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành y tế trong việc hoàn thành mục tiêu "phủ sóng" vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng.

Rõ ràng, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trong khi tỷ lệ tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng còn thấp, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể phải chung tay tháo gỡ, không thể coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành Y tế.

Để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vaccine đề ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp triển khai các đợt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 năm 2022 đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đồng thời, đề nghị Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố chủ động điều tra các nhóm đối tượng theo độ tuổi trong diện được tiêm chủng; xác định số đối tượng mắc COVID-19 (F0), đi khỏi nơi cư trú, số đối tượng không đồng ý tiêm chủng, số đối tượng đã đến lịch tiêm chủng cần tiêm; lập danh sách các nhóm đối tượng tại cộng đồng, trường học, các cơ quan, đoàn thể... báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương để triển khai thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan, đặc biệt là Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi.

Thực tế, để công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đạt hiệu quả cao không chỉ ngành Y tế mà cần sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung tay của các cấp, ngành cùng sự đồng thuận của nhân dân. Có như vậy, dịch bệnh COVID-19 mới sớm được đẩy lùi, sức khỏe người dân mới được đảm bảo và nâng cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục