Khởi động dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Lê Thạch, icon
08:55 ngày 17/04/2019

VTV.vn - Ngày 16/4, dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) chính thức được khởi động tại Hà Nội.

Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức khởi động cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại Phòng khám đa khoa số 3 - Trung tâm Y tế Đống Đa (số 6 Đông Tác).

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là dịch vụ giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày như một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp. Tuân thủ tốt có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục hơn 90% và tiêm chích ma túy 70%. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và cho con bú.

Theo báo cáo của chương trình phối hợp Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS, hàng năm vẫn có khoảng gần 2 triệu người phát hiện nhiễm HIV mới. Tại Việt Nam, đến hết năm 2018, ước tính số người nhiễm HIV hiện còn sống là 250.000 người. Trong đó, hàng năm trung bình có khoảng 10.000 người phát hiện nhiễm HIV mới.

Năm 2016, PrEP được thí điểm đầu tiên tại TP.HCM và Hà Nội. Năm 2018, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch triển khai dự phòng trước phơi nhiễm HIV giai đoạn 2018-2020. Giai đoạn mở rộng PrEP 2018-2020, thuốc kháng HIV cho điều trị PrEP được cung cấp miễn phí. Đây là cơ hội và điều kiện thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao được dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng với chi phí thấp và hiệu quả cao.

Trong giai đoạn mở rộng hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các dự án/tổ chức triển khai dịch vụ PrEP tại 11 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh và Tiền Giang với 43 cơ sở y tế tư nhân và nhà nước. Hiện nay, hơn 2.000 người sử dụng dịch vụ PrEP.

Theo kết quả giám sát tại các tỉnh, thành phố, năm 2018 trong khi tỷ lệ nhiễm HIV ở hầu hết các nhóm có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm nhanh thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới lại tăng.

Việc mở rộng PrEP là cơ hội và điều kiện thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao như: nam quan hệ đồng giới, chuyển giới nữ, tiêm chích ma túy, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV… được dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng với chi phí thấp và hiệu quả cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục