Không chủ quan với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Mỹ Hạnh, icon
06:00 ngày 24/10/2024

VTV.vn - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được Tổ chức Y tế thế giới xếp hàng thứ tư trên thế giới sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.

Bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Phổi Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trọng

Ông N.V.D. (72 tuổi, trú tại phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gần 30 năm nay. Ông D. gặp không ít khó khăn trong cuộc sống từ ngày mắc bệnh, bởi một năm ông phải nhập viện từ 3 đến 4 lần, mỗi đợt điều trị kéo dài từ 10 đến 15 ngày để ổn định sức khoẻ. 

Ông D. chia sẻ: "Gần đây sức khoẻ càng ngày càng yếu nên bệnh cũng diễn biến nặng hơn, ho có đờm nhiều hơn. Chỉ khi nào tôi đến bệnh viện điều trị thì tình trạng mới cải thiện, còn ở nhà tình trạng khó thở và mệt mỏi luôn thường trực".

Còn ông N.Đ.T. (68 tuổi, trú tại xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) phát hiện bị COPD từ năm 2019 trong một lần lên cơn khó thở phải đi cấp cứu. Nhưng do chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, sau khi ra viện, ông T. lại chủ quan, không tái khám theo yêu cầu của bác sĩ. Do đó, bệnh của ông ngày càng trở nặng, khiến sức khoẻ suy kiệt, chỉ cần đi bộ vài phút là ông đã lên cơn khó thở. Vì vậy, gia đình phải đưa ông đến Bệnh viện Phổi Đắk Lắk để điều trị. Thời gian gần đây, nhờ tuân thủ đúng chỉ định của y, bác sĩ và chịu khó tập luyện những môn thể dục nhẹ nhàng, sức khoẻ của ông đang dần ổn định.

Không chỉ riêng hai trường hợp của ông D. và ông T., hiện nay, tình trạng bệnh nhân mắc COPD không tuân thủ điều trị, điều trị muộn khiến bệnh tiến triển nặng còn diễn ra phổ biến. Tại Bệnh viện Phổi Đắk Lắk, hiện nay đang điều trị quản lý khoảng 400 bệnh nhân, trong đó khoảng 80% số bệnh nhân đến bệnh viện điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Theo bác sĩ RMah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đắk Lắk, tỷ lệ mắc bệnh COPD thực tế nhiều hơn so với thống kê do nhiều người không có thói quen khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt những người hút thuốc lá, thậm chí cả với những trường hợp xuất hiện dấu hiệu của bệnh COPD, người bệnh vẫn chủ quan cho rằng những cơn ho, khạc đờm là bệnh bình thường. Do đó, không có can thiệp kịp thời, dẫn đến bệnh tiếp tục tiến triển nặng lên đến khi xuất hiện triệu chứng khó thở liên tục. Ban đầu, tình trạng khó thở thường chỉ xuất hiện khi gắng sức, càng về sau cơn khó thở càng xuất hiện thường xuyên hơn và đến giai đoạn cuối cùng, người bệnh cảm thấy khó thở ngay cả khi không làm việc gì.

Người mắc bệnh lý về hô hấp đa dạng độ tuổi, nhưng riêng với bệnh COPD chủ yếu là nam giới, độ tuổi trung niên và cao tuổi, đặc biệt ở những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc làm việc trong các môi trường có yếu tố nguy cơ như khói bụi, ô nhiễm không khí…

Để phòng bệnh COPD và COPD tái phát, bác sĩ Rmah Lương khuyến cáo: Mỗi người cần hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khí, hoá chất, khói độc hại, bụi, thuốc lá. Nếu công việc buộc phải làm trong môi trường khói bụi thì cần có bảo hộ lao động để bảo vệ đường hô hấp; cần tập thể dục đều đặn hằng ngày, tập các bài tập phù hợp với thể trạng, ưu tiên các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp; ngoài ra, tiêm phòng cũng là biện pháp được các chuyên gia khuyến khích sử dụng. 

Người lớn tuổi là đối tượng cần chú ý tiêm phòng để tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhất là tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu. Viêm phổi do phế cầu khuẩn không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn là nguyên nhân gây tử vong nhanh ở người cao tuổi, đặc biệt là người có bệnh lý mạn tính ở phổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục