Đừng chủ quan với chứng hạ canxi máu

Phượng Vũ, icon
09:40 ngày 14/02/2021

VTV.vn - Hạ canxi máu là tình trạng canxi trong máu thấp hơn mức trung bình. Biểu hiện rõ ràng nhất của chứng hạ canxi máu là co rút, đau cơ, rối loạn nhịp tim, tê bàn tay, chân…

Canxi là khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động co dãn, sự đông máu, dẫn truyền thần kinh và giải phóng hormone của cơ thể. Giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc. Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu có giá trị thấp hơn mức độ giới hạn cho phép. Hạ canxi máu nặng khi nồng độ canxi huyết tương <7mg/dL (<1,75mmol/L) có thể gây nên cơn tentany làm co thắt thanh quản hoặc co giật toàn thân, cơn tetany là dấu hiệu đặc trưng của hạ canxi nặng bao gồm các triệu chứng như căng cơ, dị cảm ở môi, lưỡi, ngón tay ngón chân, đau cơ toàn thân, co giật các cơ vùng mặt, các triệu chứng này có thể kéo dài và gây đau đớn.

Canxi là khoáng chất thiết yếu của cơ thể, chủ yếu nằm ở xương và răng chiếm khoảng 98%, 2% còn lại là canxi ion nằm trong máu hay còn gọi là canxi máu, thực hiện các chức năng thần kinh cơ, đông máu. Mặc dù canxi trong máu chỉ chiếm rất ít, nhưng nếu canxi máu bị hạ nhiều sẽ gây ra các triệu chứng như: tê ở tay chân, lưỡi, quanh miệng, cảm giác hồi hộp, lo âu, mệt mỏi, chuột rút…. Ngoài ra, người bệnh có các biểu hiện co thắt ở các cơ tay, chân hoặc duỗi cứng đùi, căng chân, co giật tay chân, khó thở, hoa mắt và có thể dẫn đến ngất xỉu. Hạ canxi máu có thể gặp ở trẻ nhỏ dẫn đến còi xương, chậm tăng chiều cao, hay khóc đêm, giật mình, ra mồ hôi… Người lớn hạ canxi máu lâu ngày dẫn đến loãng xương, còng lưng, gai cột sống, gai gót chân, hư răng…

Chị Nguyễn Thị Hương (trú tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết: Chị thường xuyên có các triệu chứng khó thở, tức ngực, tê ở tay chân rồi bị chuột rút, sau đó thì ngất xỉu, được người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi thăm khám các bác sĩ chẩn đoán chị bị hạ canxi máu. 

Trường hợp khác là chị Phan Thị Chung (trú tại phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng có các triệu chứng bị hạ canxi máu, chủ quan chị không thăm khám và điều trị và cho rằng có điều độ ăn uống điều độ, bổ sung bằng thực phẩm sẽ khỏi bệnh. Trong một lần đi khám đau lưng, các bác sĩ chẩn đoán chị bị loãng xương và gai cột sống. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hạ canxi máu lâu ngày không điều trị.

Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trường Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng hạ canxi máu, trong đó chủ yếu là do thiếu magie, suy thận, viêm tụy, thiếu vitamin D, rối loạn nội tiết. Ngoài ra, những người nghiện rượu, chế độ ăn uống không khoa học, người suy dinh dưỡng… đều có nguy cơ mắc chứng hạ canxi máu. Để điều trị chứng hạ canxi máu, các bác sĩ sẽ dựa vào từng thể trạng của người bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Trường hợp bệnh nặng sẽ được chỉ định điều trị bằng truyền canxi tĩnh mạnh để khôi phục, bổ sung lượng canxi thiếu hụt trong cơ thể, trường hợp nhẹ cần bổ sung canxi qua đường uống hoặc tiêm. Ngoài ra, hạ canxi máu thứ phát do các bệnh lý nền, thì ngoài việc điều trị hạ canxi cần song song điều trị các bệnh lý nền.

Để phòng và làm giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng của chứng hạ canxi máu, khi có các biểu hiện bệnh, người dân cần phải đi thăm khám, tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để điều trị dứt điểm. Bổ sung canxi thông qua đường uống, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên tắm nắng vào buổi sáng giúp cơ thể bổ sung vitamin D, hạn chế đồ uống chứa chất kích thích như bia, rượu, cà phê… vì sẽ làm giảm khả năng hấp thụ canxi trong cơ thể. Khi gặp trường hợp bị hạ canxi máu, cần bình tĩnh và giữ cho bệnh nhân tỉnh táo, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục