Không lạm dụng xông hơi phòng COVID-19

Kim Oanh, Đình Thi, icon
06:00 ngày 11/03/2022

VTV.vn - Trong quá trình điều trị COVID-19, bên cạnh việc dùng một số loại thuốc, nhiều người cũng tìm đến các phương pháp thuốc nam và xông hơi để điều trị.

Các hương liệu quen thuộc dùng cho nồi nước xông.

Bà Nguyễn Thị Bốn (trú tại phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), khi nhận thông báo có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với COVID-19, người nhà rất lo lắng, tìm đủ loại nguyên liệu về xông nhà, xông người. Bà tin rằng việc xông hơi có hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19, song bà vẫn chưa biết xông hơi với tần suất như thế nào là hợp lý.

"Lúc triệu chứng nặng hơn thì tôi cố gắng nấu nước xông thường xuyên hơn, tranh thủ xông lúc nước nóng nhất để diệt virus hiệu quả", bà Bốn chia sẻ.

Còn gia đình anh Nguyễn Rừng, (trú tại khối 7, phường Tân Tiến), tuy chỉ là F1 nhưng anh vẫn mua và sử dụng thảo dược xông cho cả gia đình để phòng COVID-19.

Anh cho biết: Không phải bị bệnh mà gia đình mới sử dụng nồi nước xông, mà nấu lên cho thơm nhà, diệt virus. Ngày nào anh cũng nấu một nồi nước xông đủ các loại như gừng, sả, hương nhu, chanh, bưởi…

Những cây cỏ quen thuộc như chanh, sả, gừng, hương nhu… kết hợp lại nấu lên xông để giải cảm vốn rất quen thuộc. Tuy nhiên, cách xông hơi thông thường tức là trùm kín toàn thân để xông cả người thường hữu dụng nhưng không được phép sử dụng cho F0.

BSCKI. Phạm Ngọc Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk cho biết: Nhiều người dân xông chưa đúng cách, có người xông 2 - 3 lần/ngày bằng việc nấu một nồi nước xông và xông toàn thân. Trong khi đó, người mắc COVID-19, cơ thể đang rất mệt mỏi, suy nhược, ra mồ hôi nhiều, cần nhiều oxy để thở, nếu xông toàn thân sẽ dễ bị mất nước, khó thở, dễ chóng mặt và có khi choáng váng, ngất xỉu.

Bác sĩ Liễu cho biết thêm: Những người mắc COVID-19, chống chỉ định xông toàn thân mà chỉ nên xông mũi, họng. Thời gian xông mũi nên thực hiện trong 10 - 20 phút với 2 lần/ngày. Đặc biệt, phương pháp xông chỉ thực hiện ở người lớn, các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đến trung bình của bệnh COVID-19. Tuyệt đối chống chỉ định xông cho những bệnh nhân có triệu chứng nặng, khó thở… Việc xông hơi cũng không nên thực hiện đối với trẻ em, người già yếu, có bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể.

Xông hơi là một trong các biện pháp điều trị theo y học cổ truyền ứng dụng để hạn chế lây nhiễm và phòng bệnh được nhắc đến trong "Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng chống dịch COVID-19" do Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, xông hơi chỉ là một biện pháp hỗ trợ chứ không phải là phương pháp chính điều trị COVID-19. Nhưng nếu lạm dụng quá nhiều lần trong một ngày sẽ dễ làm tổn thương niêm mạc đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng từ bên ngoài. Bên cạnh đó, nguy cơ bị bỏng thể xảy ra trong quá trình xông.

Bác sĩ Phạm Ngọc Liễu lưu ý: Để xông đúng cách, hiệu quả và an toàn thì trước khi xông hơi cần làm sạch cơ thể. Không tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang hở nếu gặp lạnh sẽ bít lại, không thoát được nước dẫn đến máu huyết không lưu thông. Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn... bệnh nhân cần ngừng ngay.

Đặc biệt, những người sốt cao, sợ nóng không sợ lạnh, ra nhiều mô hôi, không khát nước; cơ thể suy nhược, vừa ốm khỏi, già yếu, mệt mỏi, thiếu máu, đang mang thai hoặc vừa mới sanh, đang bị tiêu chảy; cảm nắng, có triệu chứng ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ, chao đảo, mệt lả... không nên xông. Những người có triệu chứng mới nên xông hơi, không nên lạm dụng và chỉ nên xông hơi một mình. Nên tuân thủ những phương pháp phòng ngừa COVID-19 chính thống, không nên tin tưởng vào những lời đồn thổi truyền miệng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục