Làm cách nào phát hiện mắc rận mu?

P.V, icon
11:37 ngày 22/12/2019

VTV.vn - Rận mu được truyền qua tiếp xúc cơ thể, như hôn, quan hệ tình dục hoặc các tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành và dùng chung các vật dụng trong nhà.

Mới đây, Phòng khám Chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Ký sinh trùng và Côn trùng TP.HCM tiếp nhận khám và điều trị cho một trường hợp điển hình bị bệnh rận mu, đó là bệnh nhi đến khám với tình trạng sưng tấy, đỏ kèm theo ngứa vùng quanh mắt. Qua thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán: bị rận mu ký sinh quanh mi mắt.

Theo các bác sĩ, rận mu có kích thước 0,8 - 1,2 mm. Chu kỳ phát triển của rận mu chia làm 3 giai đoạn, gồm giai đoạn trứng, đến nhộng và rận trưởng thành. Rận cái đẻ khoảng 30 - 50 trứng, vòng đời 30 ngày. Rận đẻ trứng trên lông mu, ngoài ra còn đẻ trứng ở quanh hậu môn, nách, đùi, bụng và thậm chí ở lông mi và râu. Trứng thường gắn ở chân lông.

Mặc dù vị trí nào của cơ thể cũng có thể bị rận ký sinh, nhưng đối với người lớn thường thấy chúng ký sinh và gây bệnh ở lông bộ phận sinh dục và khu vực ven hậu môn, cũng có thể thấy trên tóc, trên bụng, hố nách, râu, ria mép. Ở trẻ em thì thường thấy ký sinh ở lông mi.

Rận mu gây ngứa là các triệu chứng phổ biến nhất, ngứa xảy ra sau 1 - 2 tuần nhiễm bệnh. Ngứa dẫn đến gãi, gãi nhiều gây ra lở loét và nhiễm khuẩn thứ phát. Nếu lông mi bị nhiễm rận, kèm theo nhiễm trùng thứ cấp có thể đưa tới viêm kết mạc mụn rộp và viêm giác mạc. Sẩn đỏ ngứa là biểu hiện phổ biến nhất, ngứa nhiều vào ban đêm do sau khi con người nghỉ ngơi, ngủ say, rận mới cào cấu da, hút máu gây ngứa, khó chịu, mất ngủ.

Điều trị rận mu không khó nhưng nếu không điều trị dứt điểm, việc gãi ngứa gây trầy xước da có thể dẫn đến bội nhiễm do vi khuẩn. Vì vậy, khi nghi ngờ mắc bệnh cần đến các phòng khám chuyên khoa để khám và điều trị triệt để.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục