Làm gì khi trẻ bị sốt?

Nguyệt Ánh, icon
07:08 ngày 25/07/2013

Những ngày hè khi các bệnh nhiễm khuẩn gia tăng nhanh chóng, hiện tượng sốt rất thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu không được hạ sốt đúng cách và nhanh chóng cho trẻ sẽ dẫn tới co giật và những biến chứng khó lường.

Trong chuyên mục Sống khỏe, chương trình Cuộc sống thường ngày, TS Trần Minh Điển, Phó GĐ bệnh viện Nhi Trung ương, đã có buổi trả lời những thắc mắc của các bậc cha mẹ khi trẻ bị sốt.

Khán giả: Khi con tôi có hiện tượng sốt, cơ thể tăng nhiệt độ cao thường dẫn đến hiện tượng co giật, xin hỏi bác sĩ, làm thế nào để giảm nhiệt độ của bé khi trẻ sốt cao để tránh trường hợp bị co giật?

TS Trần Minh Điển: Khi trẻ bị sốt quá cao và nhiệt độ cơ thể tăng nhanh trong một thời điểm nhất định sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng co giật ở trẻ. Do đó, khi bất cứ lúc nào trẻ có hiện tượng bị sốt, khi sờ trán của trẻ thấy nóng, các bậc cha mẹ cần lập tức cặp nhiệt độ cho trẻ để đánh giá sự chênh lệch nhiệt độ cơ thể mỗi giờ về tình trạng tăng thân nhiệt có nhanh hay không.

‘ Cha mẹ cần theo dõi thân nhiệt của trẻ ngay khi trẻ có hiện tượng sốt. (Ảnh minh họa)

Khán giả: Con tôi thỉnh thoảng bị sốt cao, tôi cho cháu uống thuốc hạ sốt, nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột và hay ra nhiều mồ hôi, xin bác sĩ cho biết tôi cần xử lý như thế nào?

TS Trần Minh Điển: Khi các bậc cha mẹ hạ nhiệt độ cho trẻ, thường khi nhiệt độ xuống thấp thì hay dẫn tới tình trạng bã mồ hôi. Cha mẹ cần bình tĩnh và lấy khăn khô lau cổ, nách, bẹn và toàn cơ thể của trẻ. Tiếp theo, cần đánh giá toàn trạng của trẻ nếu thấy trẻ mệt mỏi, lờ đờ, cần đưa ngay tới bệnh viện để cấp cứu. Nếu thấy toàn trạng chung của trẻ thấy chân tay vẫn ấm, hồng hào thì không có vấn đề gì. Cha mẹ cần tích cực cho trẻ uống nước, đặc biệt là nước điện giải để bù lại cho trẻ trong giai đoạn sốt, khi đó nhiệt độ của trẻ sẽ trở lại bình thường.

Tôi cần nhấn mạnh, trong một số trường hợp, ở giai đoạn sau của tình trạng sốt hay có giai đoạn hạ nhiệt độ, lúc đó cần lau khô trẻ, mặc áo ấm và ôm trẻ vào lòng. Khi đánh giá toàn trạng thấy trẻ rất mệt, bã mồ hôi nhiều, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

Khán giả: Khi con tôi bị sốt, cháu hay kêu lạnh, lúc đó có nên ủ ấm cho cháu hay không. Trong mấy ngày cháu sốt, có nên tắm cho cháu hay không?

TS Trần Minh Điển: Khi trẻ bị sốt, cha mẹ không nên tắm toàn thân cho trẻ nhưng vẫn phải lau rửa cho trẻ để đảm bảo vệ sinh toàn thể cơ thể từng phần một. Trước hết là phần mặt, cần lau rửa mặt cho các cháu, các kẽ sau tai, khu vực cổ cần lau khăn ướt rồi sử dụng khăn khô để lau lại. Đối với trẻ em gái, việc vệ sinh bộ phận sinh dục, hậu môn rất quan trọng. Khi trẻ đi vệ sinh xong cần được lau rửa và kể cả cho nước vào để đảm bảo sạch sẽ.

Khi bị sốt cao, cha mẹ không nên ủ chăn cho trẻ, cần cho trẻ ở trong môi trường thoáng để tránh tình trạng thân nhiệt tăng lên. Nếu ủ chăn cho trẻ thân nhiệt của trẻ sẽ tiếp tục tăng lên và nguy cơ sốt cao như vậy sẽ rất dễ gây ra co giật.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video chuyên mục "Sống khỏe" để tìm hiểu những tư vấn của bác sĩ trong việc điều trị và hạ sốt cho trẻ.

Cùng chuyên mục