Lấy ráy tai cho trẻ nhỏ nên hay không?

Linh Chi, icon
09:09 ngày 06/04/2019

VTV.vn - Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có cơ địa còn mỏng manh yếu ớt nên bố mẹ phải cẩn thận trong mọi hành động dù nhỏ như việc lấy ráy tai cho trẻ.

Lấy ráy tai cho trẻ bằng thiết bị chuyên dụng.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi, ráy tai được tạo ra từ các tế bào lót ống tai, là đoạn nối giữa vành tai và phần tai giữa. Ráy tai được tạo ra thường xuyên và mọi lúc. Ráy tai thường có 3 dạng: ráy tai ướt, ráy tai khô và ráy tai cứng. Ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ cho ống tai khỏi bị tổn thương và nhiễm trùng. Nếu không có ráy tai, ống tai sẽ bị khô, ngứa và dễ bị nhiễm trùng.

Nên lấy ráy tai cho trẻ khi nào?

Phụ huynh nên lấy ráy tai cho trẻ nếu có các triệu chứng: giảm thính lực, khó chịu, ráy tai quá nhiều hoặc gây tắc nghẽn trong ống tai. Nhiều trường hợp ráy tai tích tụ quá nhiều khiến cho bé luôn ở trong tình trạng khó chịu và ngứa ngáy. Trẻ thường dùng tay cố thò vào trong tai để ngoáy. Khi đó phụ huynh nên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để dùng các dụng cụ lấy ráy tai cho bé an toàn và đảm bảo vệ sinh.

Nên lấy ráy tai tại nhà hay không?

Phụ huynh chỉ nên lau bên ngoài tai bằng khăn lau. Không sử dụng tăm bông, ngón tay hoặc bất cứ thứ gì khác đưa vào tai khi chưa được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa vì: Nguy cơ làm tổn thương ống tai và màng nhĩ mỏng manh; Sẽ đẩy ráy tai vào sâu hơn; Gây nhiễm trùng cho tai. Thậm chí một số trường hợp lấy ráy tai không đúng cách có thể gây tổn thương nặng nề ở tai trong và não.

Lưu ý cách vệ sinh tai cho trẻ

- Đối với những bé dưới 36 tháng tuổi: Hàng ngày dùng khăn mềm thấm một chút nước ấm lau nhẹ vành tai bên ngoài của bé.

- Đối với các bé từ 36 tháng tuổi trở lên: Cần vệ sinh bên ngoài vành tai kết hợp đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ vệ sinh tai một cách an toàn khi bé bị đóng ráy tai quá nhiều.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục