Lưu ý trong điều trị khe hở môi, vòm miệng

icon
12:36 ngày 28/10/2012

Khe hở môi và vòm miệng là một trong những dị tật bẩm sinh có tỷ lệ mắc khá cao ở nước ta với khoảng hơn 2.400 trường hợp mỗi năm. Dị tật này không chỉ ảnh hưởng tới yếu tố thẩm mỹ và tâm lý của trẻ mà còn ảnh hưởng tới các hoạt động chức năng khác như phát âm, nhai, nuốt.

Ảnh minh hoạ

Việc phẫu thuật khắc phục dị tật này cho trẻ cũng là lĩnh vực hợp tác giữa bệnh viện Răng hàm mặt trung ương và hội Phẫu thuật tạo hình hàm mặt Hàn Quốc trong 9 năm qua, mang lại nụ cười và giúp trẻ hòa nhập cộng đồng.

PV GS.TS. Shin Hyo Keun - Trưởng đoàn Phẫu thuật tạo hình hàm mặt Hàn Quốc cho biết: “Khe hở môi, vòm miệng là bệnh bẩm sinh xuất hiện trong thời kỳ mang thai của của mẹ, do các yếu tố nguy cơ như di truyền, ảnh hưởng của các yếu tố môi trường hoặc bà mẹ mắc một số bệnh trong thời kỳ đầu mang thai như cúm, sốt cao. Đối với hàm răng, quá trình phát triển xương hàm trên và xương hàm dưới ở trẻ bị khe hở môi - vòm miệng không giống với các trẻ bình thường. Điều đáng lưu ý là quá trình điều trị, nắn chỉnh hàm và răng kéo dài tới khi trẻ trưởng thành”.

Song song với quá trình nắn chỉnh răng, bệnh nhân bị khe hở môi vòm miệng cần trải qua một quy trình điều trị từ nhỏ. Cụ thể, phẫu thuật đóng kín khe hở môi tốt nhất được tiến hành lúc trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, cân nặng đạt xấp xỉ 10kg. Sau đó, phẫu thuật đóng kín vòm miệng được thực hiện khi trẻ được 1,5 đến 2 tuổi. Sau phẫu thuật, trẻ cần phải được khám để luyện phát âm. Đồng thời, trẻ cần được khám định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị răng sâu.

Trong quá trình trưởng thành, nếu tiếp tục được chỉnh hình răng mặt, phẫu thuật ghép xương và phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh nhân hoàn toàn có thể có được một khuôn mặt bình thường, hàm răng đều đặn, cung hàm không bị bóp méo và phát âm bình thường.

Cùng chuyên mục