Nghi mắc dịch hạch sau khi bị chuột cắn vào tay

Linh Chi, icon
03:48 ngày 08/04/2021

VTV.vn - Bệnh nhân 38 tuổi, trú tại Hoà An, Cao Bằng vào viện do sốt cao, rét run, vã mồ hôi, đau đầu, mệt mỏi có vết cắn ở tay đau nhức, sưng, nổi nhiều hạch ngoại biên toàn thân.

Vết thương do chuột cắn ở tay bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Theo thông tin từ bệnh viện, cách vào viện khoảng 20 ngày, bệnh nhân bị chuột cắn vào mu bàn tay phải. Sau đó, xuất hiện sưng tấy đỏ, đau nhức tại vết cắn, vì chủ quan, bệnh nhân không đi khám, chỉ đi tiêm phòng một mũi vaccine.

Khoảng 2 tuần sau, bệnh nhân thấy nổi nhiều hạch ở cánh tay, nách, cổ, sưng đau hạch. Kèm theo sốt nóng, mệt mỏi, ăn ngủ kém.

Bệnh nhân có đi khám và điều trị ở bệnh viện huyện 2 ngày không đỡ, được chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vào ngày 8/4 để điều trị.

Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán: Nghi ngờ mắc dịch hạch thể nhiễm trùng huyết. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời có thể lây lan ra cộng đồng. Trong lịch sử phát triển loài người, đã có nhiều vụ dịch kinh hoàng do chuột gây ra là chết rất nhiều người.

Theo các bác sĩ, chuột là động vật gây hại và trung gian lây truyền một số bệnh truyền nhiễm cho người, trong đó có những bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị. Một số bệnh lây truyền từ chuột phổ biến như bệnh dịch hạch, viêm phổi, vàng da xuất huyết, sốt xuất huyết kèm theo suy thận do Hantavirus... Chuột lây bệnh sang người, qua thực phẩm bị chúng làm ô nhiễm, từ côn trùng trung gian như bọ chét, ve hoặc qua phân, nước tiểu, nước bọt hoặc vết cào, cắn của chuột.

Do vết chuột cắn đơn giản nên đôi khi người bệnh không để ý nhiều, khi thấy sốt, sưng hạch thì chữa quanh, tự uống thuốc, thậm chí cả những kháng sinh đắt tiền mà không mang lại kết quả. Trong khi đó, căn bệnh này nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì chữa rất đơn giản, chỉ cần sử dụng kháng sinh đơn giản, kháng sinh mạnh không có tác dụng. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, việc điều trị hết sức phức tạp với nhiều biến chứng.

Qua trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ khuyến cáo: Khi không may bị chuột cắn, cần có các kỹ thuật xử trí vết thương tốt vì các vết cào, cắn do chuột gây ra tuy chỉ ngoài da nhưng là đường vào của các bệnh như dại, sốt chuột cắn. Vì vậy, cần rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc povidine. Sau đó, cần đến cơ sở y tế gần nhà để được khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh đúng cách.

Cách tốt nhất để bảo vệ môi trường sống của mình và tránh không bị các bệnh truyền nhiễm do chuột gây ra là nên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh để những vật dụng bừa bãi trở thành làm nơi ẩn náu và sinh sống cho chuột.

Nếu dọn dẹp nhà cửa, nghi ngờ chỗ nào có chuột cần mang bao tay cao su để tránh bị chuột cắn. Sử dụng nước tẩy javel lau sạch chỗ nào có nước tiểu của chuột hoặc nơi chuột làm ổ để tránh sự lây nhiễm của virus. Nếu phát hiện xác chuột trong khuôn viên nhà, phải mang bao tay cao su rồi bỏ chuột vào bao ni lông nhiều lớp, gói kín lại bỏ vào thùng rác.

Khi ngủ nên chèn màn chặt kín bốn góc giường ngăn chuột chui vào cắn. Nếu không may bị chuột cắn thì nên rửa sạch vết thương bằng nước muối, thuốc sát trùng, nước xà phòng, sau đó đến bệnh viện để được khám và tư vấn kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục