Mạng lưới cô đỡ thôn bản: Bước ngoặt lớn trong giảm tỷ lệ tử vong do sinh đẻ

Lê Thạch, icon
09:48 ngày 28/02/2018

VTV.vn - Chiều 28/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị biểu dương cô đỡ thôn, bản tiêu biểu năm 2018 và tổng kết 25 năm hình thành phát triển mạng lưới cô đỡ thôn, bản ở Việt Nam.

Các cô đỡ thôn, bản các tỉnh miền núi phía Bắc

Mạng lưới cô đỡ thôn bản ở Việt Nam hình thành từ thực trạng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở khu vực miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm 90 của thế kỷ trước: Tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt nam vào khoảng 233/100.000 trẻ đẻ sống; có những vùng thuộc tỉnh Bình Phước tỷ lệ tử vong mẹ ở đồng bào S'tiêng lên đến 1.018/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ lệ tử vong mẹ ở đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 4 lần so với người Kinh. Bên cạnh đó, sự khác biệt về yếu tố văn hóa như ngôn ngữ, phong tục tập quán ở đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến việc mang thai, sinh con làm giảm khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế. Các yếu tố nghèo đói, giao thông khó khăn, thiếu thông tin liên lạc, các dịch vụ chưa phù hợp với văn hóa của đồng bào dân tộc... cũng đã cản trở đồng bào dân tộc đến sinh con tại các cơ sở y tế.

Sự ra đời của chương trình đào tạo cô đỡ thôn, bản - người dân tộc thiểu số thập niên 90 đã tạo bước ngoặt lớn trong giảm tỷ lệ tử vong mẹ tại vùng núi, đồng bào khó khăn. Các cô đỡ thôn bản đã tích cực trong công tác quản lý thai nghén, truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người dân, vận động thai phụ đi khám thai và sinh con tại trạm y tế xã. Phát hiện thai có nguy cơ và chuyển tuyến kịp thời, chăm sóc sau đẻ cho cả mẹ và con. Sự đóng góp của các cô đỡ thôn, bản được cộng đồng đánh giá cao và chấp nhận do sự thuận tiện, gần gũi, đáp ứng đúng yếu tố văn hóa của đồng bào. Những thôn bản có cô đỡ, kiến thức và thực hành của phụ nữ dân tộc trong chăm sóc thai nghén, mang thai, sinh con...đã tăng lên rõ rệt.

Đến nay, sau 25 năm thực hiện chương trình cô đỡ thôn, bản tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm 4 lần, khoảng 58/100.000 trẻ đẻ sống. Hiện có hơn 2.600 cô đỡ thôn, bản hoạt động trong tổng số 8.165 thôn bản khó khăn. Việc tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn, bản góp phần duy trì kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ số 4, 5, hướng tới thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững về sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào năm 2030 của Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục