Mô hình mới trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Phan Hằng - Văn Lương (Ban Thời sự), icon
02:43 ngày 13/11/2017

VTV.vn - Việc xây dựng mô hình hợp tác giữa bác sĩ gia đình và dược sĩ cộng đồng được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề ban đầu trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Tính đến tháng 7 năm 2017, tại Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Tuy nhiên có một thực tế là hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này lại chưa đáp ứng được nhu cầu. 

Chăm sóc sức khỏe tốt cho người già ngay tại gia đình là một phương án hiệu quả nhất mà ngành y tế đang hướng tới. Đây cũng là nội dung cuộc hội thảo nâng cao sức khỏe người già qua việc xây dựng mô hình hợp tác giữa mô hình bác sĩ gia đình và dược sĩ cộng đồng diễn ra sáng 13/11, tại Hà Nội.

Để có thể nâng cao sức khỏe người cao tuổi, Chính phủ cũng như Bộ Y tế đã xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn cũng như tăng cường dự phòng và chăm sóc ngay tại cộng đồng, trong đó việc xây dựng mô hình hợp tác giữa bác sĩ gia đình và dược sĩ cộng đồng được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề ban đầu của người bệnh.

Mô hình mới trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Thanh Bình, Phó hiệu trưởng phụ trách điều hành trường Đại học Dược Hà Nội phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: SK&ĐS)

GS.TS Nguyễn Thanh Bình, Phó hiệu trưởng phụ trách Điều hành trường Đại học Dược Hà Nội cho biết: Chăm sóc Dược là một lĩnh vực thực hành lấy bệnh nhân làm trung tâm trong đó dược sỹ nhận trách nhiệm về các nhu cầu liên quan đến thuốc của bệnh nhân và luôn luôn  đảm bảo hoàn thành các trách nhiệm đó một cách tốt nhất. 

"Chăm sóc Dược bao gồm: Xác định mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong điều trị, Lựa chọn thuốc có chỉ số hiệu quả/an toàn và hiệu quả kinh tế cao nhất... Để đạt hiệu quả trong điều trị các bệnh mạn tính, trước hết cần cải thiện dịch vụ chăm sóc, tăng cường mối quan hệ thầy thuốc/nhân viên y tế với bệnh nhân, tăng cường tư vấn trực tiếp, gia tăng sự tuân thủ điều trị. Kế đến, cần giúp bệnh nhân khỏe mạnh hơn, cải thiện chất lượng sống và hòa nhập được với cuộc sống xã hội, giảm tổng chi phí y tế bằng cách cung cấp cho bệnh nhân liệu pháp điều trị hiệu quả với thuốc chất lượng cao, giúp giảm hoặc ngăn ngừa tỉ lệ tàn phế, nhập viện và tử vong do các biến chứng của bệnh", GS.TS Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.

Để thích ứng với già hóa dân số, hội thảo mong muốn có thể tăng cường hiệu quả phối hợp giữa thầy thuốc, dược sĩ và nhân viên y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại cơ sở y tế địa phương. Đây là nhiệm vụ cấp thiết trong tình hình dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm tới 18% và năm 2050 là 26%.

Thiết lập hệ thống việc làm cho người cao tuổi Thiết lập hệ thống việc làm cho người cao tuổi

VTV.vn - Việt Nam nên tạo dựng hệ thống chính sách như thế nào để xây dựng một hệ thống cung ứng việc làm chuyên nghiệp cho người cao tuổi trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục