Nắng nóng, gia tăng bệnh tiêu chảy ở trẻ

Gia Nhi, icon
12:11 ngày 27/03/2024

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai ghi nhận hơn 1.400 lượt đến khám, nhập viện do bệnh lý tiêu hóa, trong đó bệnh nhi tiêu chảy phải nhập viện điều trị tăng.

Trẻ nhập viện do tiêu chảy tăng

Chăm con trai 10 tuổi tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chị P.T.H. (45 tuổi, ngụ ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết, con trai chị đi học về kêu mệt, sau đó nôn ói nhiều, đi cầu phân lỏng có màu hơi đen, đau bụng, kèm theo sốt cao liên tục. Gia đình chị đã đưa cháu lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh điều trị, tại đây bé được chẩn đoán tiêu chảy, xét nghiệm máu cho thấy bé bị thiếu máu nên được truyền máu.

Những ngày sau đó, tình trạng đi ngoài, nôn ói có giảm, nhưng bé vẫn kêu đau bụng, vì quá lo lắng nên gia đình chị đã xin cho cháu chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị. Tại đây, bé được bác sĩ thăm khám, kết quả ngoài mắc bệnh tiêu chảy bé còn bị viêm loét dạ dày. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bé đã ổn hơn, không còn nôn ói, số lượng đi cầu cũng giảm còn 2 lần/ngày.

Ghi nhận tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho thấy, trẻ nhập viện điều trị do bệnh tiêu chảy có đủ các lứa tuổi, trong đó chiếm nhiều là trẻ dưới 5 tuổi. BS.CKI Mạc Quốc Dũng - Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: Từ đầu năm đến nay, trẻ mắc bệnh tiêu hóa đến khám tăng lên kể cả ngoại trú và nội trú. Tại Khoa Tiêu hóa, số lượng trẻ nhập viện điều trị từ 15- 20 ca mỗi ngày.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu hóa ở trẻ gia tăng là do thời tiết nắng nóng, thực phẩm bảo quản chưa hợp lý dễ bị ôi, thiu, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Một nguyên nhân nữa là do trẻ em sức đề kháng kém, khi mắc bệnh các triệu chứng dễ nặng hơn và có thể kéo dài hơn so với người lớn, do vậy lượng bệnh nhi đi khám và nhập viện điều trị nội trú cũng tăng lên.

"Lượng bệnh nhi mắc bệnh tiêu hóa tăng hơn trước tết rất nhiều, đặc biệt năm nay thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng, Lứa tuổi bị nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 3 tuổi dễ chuyển nặng và phải nhập viện nhiều hơn" - bác sĩ Dũng cho hay.

Triệu chứng của bệnh tiêu chảy là trẻ bị nôn ói, đau bụng, đau từng cơn và tiêu chảy, có thể kèm sốt hoặc không sốt, có thể đi cầu phân nhầy có máu. Tuy nhiên, bác sĩ Dũng cũng lưu ý, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như: nôi ói liên tục, ăn uống không được, đừ, mệt, hạ đường huyết, đi tiêu lỏng nhiều lần trong ngày, phân lỏng toàn nước hoặc có nhầy máu, có thể trong vòng 1 giờ đồng hồ đi cầu trên 2-3 lần…thì cần đưa trẻ nhập viện điều trị, nếu không diễn tiến bệnh sẽ nặng hơn.

Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy kèm sốt cao liên tục cũng cần cho đi khám ngay, vì một số trẻ nhiễm trùng nặng sẽ có nguy cơ chuyển nặng hơn như nhiễm trùng máu hoặc sốc nhiễm trùng, dẫn đến việc điều trị khó khăn hơn.

Tránh những quan niệm sai lầm khi chăm sóc trẻ tiêu chảy

Theo bác sĩ Dũng, hiện nay công tác truyền thông được đẩy mạnh, thông tin đến với người dân nhiều hơn, kiến thức của bà mẹ trong việc chăm sóc trẻ cũng tốt hơn nhiều. Nhưng vẫn còn một số ít phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ và có một số quan niệm sai lầm khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy như: trẻ ói, tiêu chảy thì không cho ăn uống để bệnh của trẻ giảm bớt. Điều này vô tình làm cho trẻ bị mất nước nhiều hơn, suy kiệt hơn, diễn tiến bệnh sẽ nặng hơn.

Ngoài ra, một số quan niệm từ xưa như mỗi lần trẻ bị tiêu chảy, ói thường chỉ cho ăn cháo đường, cháo muối mà kiêng thịt cá, chất tanh. Việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ em không đủ các chất sẽ vô tình làm cho niêm mạc ruột lâu phục hồi hơn, làm cho tổng trạng trẻ suy kiệt, sau đợt bệnh trẻ phục hồi chậm hơn.

Bác sĩ Dũng lưu ý, khi trẻ bị bị tiêu chảy, cần phải cho trẻ ăn uống bình thường theo chế độ dinh dưỡng của từng lứa tuổi, hạn chế những thực phẩm khó tiêu như nhiều dầu mỡ hoặc nhiều chất xơ. Bữa ăn chia nhiều cữ hơn, một lần ăn ít hơn để bé dễ hấp thu; bù nước bằng nước lọc, cháo, sữa, dung dịch bù nước điện giải Oresol… để làm giảm nguy cơ mất nước cho trẻ. Không tự ý sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy ở trẻ em, bởi một số trẻ nhỏ bị chống chỉ định loại thuốc này.

Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ, bác sĩ Dũng khuyến cáo phụ huynh cần lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách; cho trẻ ăn chín uống sôi và hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm để qua ngày hôm sau.

Đối với trẻ còn nhỏ, đang bú bình thì cần giữ vệ sinh dụng cụ cho ăn, bình sữa. Những trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi nguy cơ dễ bị nặng hơn, nên cha mẹ cần chú ý kỹ hơn. Nhóm này cũng dễ mắc bệnh tiêu chảy do virus Rota nên phụ huynh cần phòng ngừa cho trẻ bằng vaccine Rotavirus.

Khi chăm trẻ, người chăm sóc cần vệ sinh tay trước khi cho trẻ ăn hoặc sau khi vệ sinh cho trẻ để hạn chế lây nhiễm bệnh cho trẻ. Trường hợp trẻ có dấu hiệu của bệnh tiêu chảy như trên thì cần đưa trẻ khám ngay để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và được điều trị kịp thời.

Cần hướng dẫn trẻ lớn vệ sinh tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc nước diệt khuẩn sau mỗi lần đi vệ sinh, trước khi ăn uống để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, vì tất cả bệnh tiêu hóa đều lây qua đường miệng. Trong nhà có người bị bệnh tiêu chảy cần hạn chế tiếp xúc và vệ sinh kỹ, vì bệnh tiêu hóa khả năng lây lan cũng rất cao.

Giữ gìn, vệ sinh sạch sẽ nhà ở và môi trường xung quanh, những khu vực bé chơi và các dụng cụ, đồ chơi của trẻ nên vệ sinh thường xuyên với xà phòng, nước diệt khuẩn để hạn chế các tác nhân gây bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục