Nên làm gì khi bị đau bụng?

Theo SKĐS, icon
08:19 ngày 10/08/2013

Khi bất kỳ cơ quan nào nằm trong ổ bụng có triệu chứng đau đều được gọi là đau bụng. Tuy nhiên, mỗi một cơ quan khi bị bệnh và đau, có tính chất đau lại khác nhau.

Đau bụng thượng vị

Đau thượng vị (dưới mũi ức) thường là đau do hội chứng dạ dày (viêm loét dạ dày hay viêm loét dạ dày tá tràng), có khi là triệu chứng của viêm tuỵ cấp, mạn tính.

Nếu đau thượng vị lệch sang phải là vùng gan, đường dẫn mật và túi mật. Nếu vị trí đau dịch xuống có thể là vị trí của thận, niệu quản.

‘ Khi đau bụng cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt, nhất là đau nhiều, đau dữ dội. (Ảnh minh họa)


Cơn đau dạ dày cấp, viêm tụy cấp hay cơn đau do sỏi niệu quản thường dễ bị nhầm lẫn, bởi tính chất đau na ná như nhau. Đau bụng do dạ dày tá tràng còn tùy theo tình trạng của bệnh. Đau âm ỉ, liên tục cả khi đói lẫn khi no hoặc đau nhiều khi đói có thể do loét dạ dày - tá tràng, đau khi ăn no do viêm dạ dày, đau như dao đâm có thể thủng dạ dày.

Đau bụng quằn quại sau khi vận động nhiều hay sau khi đi xe bị xóc nhiều có thể cơn đau của sỏi thận, niệu quản. Cơn đau bụng do hệ thống gan mật thường xảy ra sau bữa ăn. Hay gặp nhất là đau do sỏi mật, viêm túi mật. Đau do sỏi mật ngoài đau còn sốt và vàng da.

Đau dạ dày, sỏi thận hay gan mật còn có thể thấy nôn, buồn nôn, đau lan ra sau lưng, lên vai, ngực.

Đau thượng vị lệch phải còn có thể gặp giun chui ống mật chủ, đau lăn lộn, vã mồ hôi, người bệnh thường nằm sấp và chổng mông thì có vẻ dễ chịu hơn. Đây là loại đau bụng đột ngột, cấp tính.

Đau thượng vị lệch sang trái có thể là lá lách, cũng là vị trí của thận và niệu quản trái, đau vị trí bên trái nếu có chấn thương (tai nạn chẳng hạn) cần lưu ý đến lách bị tổn thương (sưng lách, dập lách…).

Cơn đau do sỏi thận, niệu quản cũng dữ dội, lan tỏa, có thể kèm theo đái buốt, đái rắt, đái máu. Đau bụng dữ dội có thể viêm phúc mạc do tiết dịch mật, dịch tuỵ chảy vào ổ bụng hoặc do thủng dạ dày dịch vị, thức ăn làm viêm phúc mạc…

Để chẩn đoán xác định đau thượng vị không thể không dựa vào các kết quả xét nghiệm, siêu âm, X-quang. Đó là những kết quả của cận lâm sàng rất có giá trị giúp chẩn đoán chính xác.

Đau hạ vị

Vùng hạ vị cũng rất hay bị đau do nhiều cơ quan định vị trong đó. Đau hạ vị đáng quan tâm nhất là viêm ruột thừa. Cơn đau của viêm ruột thừa ở phía bên phải (hố chậu phải). Đau có khi âm ỉ nhưng cũng có khi thành từng cơn, kèm theo đau còn có sốt nhẹ, buồn nôn, nôn, bí trung tiện... Đối với bệnh viêm ruột thừa thì người ta khuyên rằng thà chẩn đoán nhầm (không bị viêm ruột thừa mà chẩn đoán là viêm ruột thừa) còn hơn là bỏ sót.

Đau bụng dưới do viêm đại tràng cũng là bệnh thường hay gặp, đặc biệt là viêm đại tràng mạn tính căn nguyên do ký sinh trùng amip. Viêm bàng quang cấp tính nhiều khi cũng gây đau bụng dưới kèm theo đái buốt, đái rắt, đái máu mà hay gặp nhất là nữ giới.

Đối với nữ giới viêm phần phụ như viêm tử cung, buồng trứng, vòi trứng cũng gây đau bụng dưới, đặc biệt là đau bụng dưới do u nang buồng trứng xoắn, nếu ở bên hố chậu phải thì rất dễ nhầm với viêm ruột thừa cấp tính. Cũng như đau thượng vị, để chẩn đoán chính xác đau hạ vị rất cần có sự hỗ trợ của cận lâm sàng, vì vậy ở cơ sở y tế nào còn hệ thống cận lâm sàng yếu cả về trang thiết bị cả về trình độ chuyên môn thì ảnh hưởng không nhỏ đến việc chẩn đoán bệnh nói chung và các bệnh về đau bụng nói riêng.

Ngoài đau bụng khu trú ở thượng vị hay hạ vị thì có thể gặp đau bụng không thấy khu trú ở vùng nào nhất định như xoắn ruột, tắc ruột, viêm phúc mạc…

Khi bị đau bụng nên làm gì?

- Khi bị đau bụng cần đi khám bệnh ngay, đi càng sớm càng tốt, nhất là đau nhiều, dữ dội, liên tục, có tiền sử bệnh dạ dày, bệnh gan, mật.

- Riêng đau hố chậu phải cần hết sức thận trọng, đôi khi chỉ đau âm ỉ nhưng lại là viêm ruột thừa, đối với nữ giới khi đau hố chậu phải ngoài việc cảnh giác với bệnh ruột thừa cũng cần lưu ý thêm rất có thể là dấu hiệu của u nang buồng trứng xoắn.

- Càng thận trọng khi trẻ em kêu đau bụng vì viêm ruột thừa ở trẻ em phức tạp và rất khó chẩn đoán nếu không phải là nhà chuyên khoa ngoại.

- Những người mắc bệnh thuộc về ổ bụng mới bị lần đầu nên điều trị dứt điểm, triệt để và nên đi khám bệnh định kỳ để được bác sĩ tư vấn và có những lời khuyên hữu ích.

- Hầu hết các bệnh đau bụng người thầy thuốc kết hợp với cận lâm sàng có thể chẩn đoán được và có chỉ định điều trị thích hợp do đó người bệnh cần tuân theo y lệnh của thầy thuốc.

Cùng chuyên mục