Ngăn chặn bạo hành nhân viên y tế: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Thanh Tú (CDC Đồng Nai), icon
07:00 ngày 20/09/2022

VTV.vn - Tình trạng nhân viên y tế bị bạo hành là vấn đề đáng lo ngại, gây tâm lý hoang mang cho cán bộ, nhân viên y tế và cả sự bất an cho những người bệnh khác.

Hình minh họa.

Tỷ lệ nhân viên y tế bị bạo hành đáng báo động

Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 8 - 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc. Tuy nhiên, số liệu này chưa thống kê đầy đủ các hành vi bạo hành tinh thần như nhục mạ, chửi bới…

Ở Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2010 đến hết năm 2017, cả nước ghi nhận ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung. Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%.

Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, vào tháng 7/2019 đã xảy ra một vụ bạo hành bác sĩ chỉ vì người nhà bệnh nhân cảm thấy khó chịu vì tiếng ồn.

Trong lúc nằm đợi vợ sinh tại bệnh viện, anh N.C.L. (32 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) nghe tiếng loa phát thanh của bệnh viện phát ra những tiếng hú khó chịu nên đến nói với nhân viên y tế tắt loa. Nhân viên y tế của bệnh viện báo cho bộ phận kỹ thuật đến để sửa loa. Trong tình trạng có hơi men và khó chịu với tiếng loa phát thanh, anh L. sau đó đã chạy vào phòng cấp cứu của Khoa Sản và đã đấm vào mặt bác sĩ N.L.H. đang làm việc tại đây, dù bác sĩ H. không hề liên quan, không có bất kỳ sự giao tiếp nào với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Sự cố này đã khiến bác sĩ H. bị chấn thương ở vùng mặt, mắt, sưng má, bị hoảng loạn tinh thần. Nhiều nhân viên y tế khác cũng rất bất bình và lo ngại về vấn đề an toàn, an ninh khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân.

Sau vụ bạo hành xảy ra, Sở Y tế Đồng Nai đã gửi văn bản khẩn đề nghị Công an tỉnh xử lý nghiêm trường hợp N.C.L. có hành vi hành hung nữ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bác sĩ Nguyễn Văn Sửu, Trưởng khoa Cấp cứu - khám bệnh cho hay, có những lúc bệnh nhi đông, số lượng nhân viên y tế hạn chế, chưa kịp thời xử lý cho bệnh nhi hoặc bác sĩ đã thăm khám nhưng nhận thấy tình trạng bệnh ổn, hướng dẫn người nhà đưa con, cháu đến phòng khám nhưng người nhà không chịu, muốn con mình được cấp cứu ngay. Bởi vậy, có nhiều trường hợp thân nhân bệnh nhân đã có lời nói to tiếng, xúc phạm nhân viên y tế.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đồng Nai Lê Quang Trung chia sẻ, ngành Y tế cực lực lên án hành vi bạo hành đối với nhân viên y tế. Điều này dẫn đến những hậu quả khó lường không chỉ với riêng nhân viên y tế mà cả người bệnh và xã hội. Không có nhân viên y tế nào có thể toàn tâm toàn ý phục vụ bệnh nhân khi luôn phải vừa làm việc, vừa đề phòng trước thân nhân, bệnh nhân. Do đó, cần phải nghiêm trị những kẻ có hành vi hành hung nhân viên y tế vì bất cứ lý do gì.

Cần có biện pháp bảo vệ nhân viên y tế

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, để tránh nguy cơ bị bạo hành khi làm việc, bản thân nhân viên y tế phải không ngừng rèn luyện để có trình độ chuyên môn, tác phong, thái độ phục vụ người bệnh chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra cần biết tự bảo vệ mình bằng các biện pháp như: đứng cách xa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ít nhất một cánh tay, để nếu có bạo hành xảy ra thì chấn thương cũng không quá nặng nề, nhất là khi bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân dùng hung khí.

Nên có người thứ 3 đứng cạnh nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân, bệnh nhân để có người làm chứng và bảo vệ nhân viên y tế. Ngoài ra, nhân viên y tế không nên đứng xoay lưng lại phía bệnh nhân vì đứng ở tư thế này không thể quan sát được hành vi của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nếu người nhà bệnh nhân dùng các hung khí sắc nhọn tấn công nhân viên y tế từ phía sau sẽ gây nguy hiểm cho nhân viên y tế.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sửu, để bảo vệ nhân viên y tế, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế, nhắc nhở y, bác sĩ khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà cần có thái độ tận tình, chu đáo. Đặc biệt, chú ý giao tiếp phù hợp để tránh gây hiểu nhầm, khiến cho thân nhân bệnh nhân bức xúc. Trong quá trình tiếp xúc, nếu có hiểu nhầm thì nhân viên y tế phải tự bảo vệ mình bằng lối thoát hiểm.

"Khoa bố trí 1 chốt bảo vệ ngay cửa khoa, đồng thời trang bị 1 nút thông báo khẩn cấp để khi có sự việc xảy ra, nhân viên y tế bấm nút là nhân viên bảo vệ ở ngoài cổng kịp thời chạy đến hỗ trợ" - bác sĩ Sửu cho biết.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành Nguyễn Văn Hai cũng cho biết, để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế khi làm việc, bệnh viện đã làm hàng rào để bảo vệ, đồng thời cử bảo vệ trực chốt ở khu vực Khoa Cấp cứu để kịp thời xử lý những trường hợp hành hung nhân viên y tế.

Lãnh đạo Sở Y tế thẳng thắn nhìn nhận, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống y tế tư nhân hiện nay, nếu nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân không tốt, bệnh viện sẽ chịu thiệt thòi vì người bệnh hiện có rất nhiều sự lựa chọn. Do đó, lãnh đạo Sở Y tế thường xuyên có văn bản hướng dẫn lãnh đạo các bệnh viện phải luôn quán triệt, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ cho nhân viên y tế trước người bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục