Ngày thế giới phòng chống ung thư 4/2: Sàng lọc để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Bác sĩ Hồ Thị Hồng (CDC Đồng Nai), icon
01:03 ngày 04/02/2023

VTV.vn - Ung thư cổ tử cung đứng thứ hai trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong.

Tiêm vaccine phòng HPV cho phụ nữ tại CDC Đồng Nai.

Nguyên nhân hàng đầu mắc ung thư cổ tử cung là do nhiễm một hoặc nhiều type Human Papilloma virus (HPV), virus gây u nhú ở người. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở Việt Nam có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ hiện nhiễm HPV. Cho đến nay đã phát hiện khoảng 150 type HPV, trong đó có hơn 30 type thường lây lan qua quan hệ tình dục, một số ít trường hợp người bệnh không quan hệ tình dục, chỉ tiếp xúc ngoài da nhưng vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm. Các type thường gặp gây ung thư cổ tử cung là 16, 18, 31, 33 và 45.

Sàng lọc để phát hiện bệnh sớm

Trên thế giới, cứ 2 phút lại có một phụ nữ chết do ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung là do phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ và chưa có hệ thống để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm, kiến thức về phòng bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ còn hạn chế.

Do đó, sau các biện pháp dự phòng cấp 1 ung thư cổ tử cung bao gồm giảm lối sống tình dục có nguy cơ cao, quan hệ tình dục an toàn, tiêm vaccine phòng HPV, tránh hoặc làm giảm các yếu tố nguy cơ khác như lập gia đình sớm, có con sớm, hút thuốc lá (kể cả chủ động và thụ động) thì biện pháp dự phòng cấp 2 nhằm sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung từ khi chưa có biểu hiện lâm sàng cũng vô cùng quan trọng. Vì khoảng thời gian hình thành và phát triển tổn thương tiền ung thư cổ tử cung tương đối dài từ 3-7 năm nên khi được sàng lọc phát hiện sớm các tổn thương này có thể xử trí và điều trị kịp thời, giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung. Cụ thể, sau khi được phát hiện, tổn thương tiền ung thư có thể được điều trị bằng các phương pháp cắt bỏ (khoét chóp bằng dao, dao điện, laser) hoặc phá hủy (áp lạnh, đốt điện, hóa hơi bằng laser).

Ngoài ra, sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung còn giúp giảm gánh nặng về kinh tế, tinh thần cho gia đình và xã hội.

Các biện pháp sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bao gồm xét nghiệm tế bào cổ tử cung, quan sát cổ tử cung với dung dịch acid acetic, xét nghiệm HPV.

Đối tượng và tần suất sàng lọc ung thư cổ tử cung

Phụ nữ nên được sàng lọc ung thư cổ tử cung trong độ tuổi 21 - 65 tuổi, đã quan hệ tình dục, ưu tiên nhóm phụ nữ nguy cơ trong độ tuổi 30-50.

Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi thực hiện xét nghiệm tế bào học mỗi 3 năm 1 lần. Không cần thiết xét nghiệm HPV ở phụ nữ 21-29 tuổi vì tần suất nhiễm chủng HPV sinh ung thư ở tuổi này khoảng 20%, hầu hết trường hợp nhiễm HPV sẽ biến mất mà không cần can thiệp. Khi phát hiện nhiễm HPV sẽ gây ra lo lắng, tốn chi phí tái khám và xử trí không cần thiết.

Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi nên thực hiện đồng thời xét nghiệm tế bào học và xét nghiệm HPV mỗi 5 năm hoặc có thể xét nghiệm tế bào học mỗi 3 năm 1 lần.

Trên 65 tuổi có thể ngừng sàng lọc nếu có: ít nhất 3 lần xét nghiệm sàng lọc có kết quả âm tính hoặc ít nhất 2 lần sàng lọc đồng thời bằng tế bào học và HPV có kết quả âm tính; không có kết quả xét nghiệm bất thường trong vòng 10 năm trước đó; đã cắt tử cung toàn phần vì bệnh lý lành tính.

Đối với phụ nữ đã tiêm phòng vaccine HPV vẫn cần tuân thủ lịch trình sàng lọc ung thư cổ tử cung thường quy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục