Ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết phải làm sao?

P.V, icon
04:59 ngày 24/01/2020

VTV.vn - Ngộ độc thực phẩm ngày Tết không chỉ làm tổn hại sức khỏe người bệnh mà còn làm hỏng không khí vui xuân của cả nhà.

Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc, ngày Tết, các bà nội trợ thường có xu hướng mua sắm nhiều thực phẩm phục vụ Tết, nhưng nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách hay mua phải những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm có chứa chất độc hại có thể khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm thông thường có những biểu hiện sau:

- Buồn nôn và nôn: Triệu chứng xuất hiện đầu tiên sau khi bị ngộ độc thực phẩm là buồn nôn và nôn, các triệu chứng này có thể chỉ diễn ra vài lần hoặc rất dữ dội, liên tục, thậm chí nôn ra cả máu.

- Đau bụng và tiêu chảy: Người bệnh có thể có những cơn đau bụng nghiêm trọng và thậm chí có những cơn co rút ở khu vực bụng, sau đó có thể đi tiêu chảy. Ngộ độc thực phẩm có thể gây tiêu chảy hoặc đi ngoài phân lỏng kéo dài trên 2, 3 ngày, thậm chí có thể đi ngoài ra máu.

Một số triệu chứng khác: Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra những triệu chứng phổ biến khác như chóng mặt, đầu óc quay cuồng, sốt… Một số trường hợp mất nước do nôn và tiêu chảy nhiều thì người bệnh còn cảm thấy rất khát, mệt mỏi, yếu, khô miệng, tiểu tiện ít…

Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm

Khi có những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm bạn cần xử trí kịp thời để tránh những nguy hiểm cho sức khỏe:

- Sơ cứu cơ bản:

Khi bị ngộ độc thực phẩm, cách sơ cứu thông dụng nhất khi người bệnh còn tỉnh táo là để người bệnh nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng một số cách để bệnh nhân nôn được. Sau khi đã nôn hết, người bệnh cần được nghỉ ngơi và uống điện giải để cân bằng nước cho cơ thể, chống mất nước, đồng thời giúp trung hòa chất độc trong cơ thể, hạn chế tác hại của chất độc trong cơ thể.

Tuy nhiên, chỉ gây nôn với những bệnh nhân còn tỉnh, với trường hợp người bệnh hôn mê, tuyệt đối không nên gây nôn vì có thể gây sặc thức ăn và gây tắc thở.

- Đưa bệnh nhân đến bệnh viện:

Sau khi sơ cứu cơ bản nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để có biện pháp xử trí thích hợp, tránh tổn thương cho hệ tiêu hóa và cơ thể. Những trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng bất thường cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại các cơ sở y tế.

Đề phòng ngộ độc thực phẩm

Để ngộ độc thực phẩm không "làm phiền" trong những ngày Tết hãy đề phòng tình trạng này bằng các phương pháp sau:

- Chọn thực phẩm còn tươi sống:

Nên chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín và bảo quản hợp vệ sinh, chọn thực phẩm còn tươi sống, không có mùi lạ, ôi thiu, nên mua hoa quả, trái cây theo đúng mùa vụ.

Với những thực phẩm chế biến sẵn, nên chọn những nơi uy tín, chú ý đến hạn sử dụng, nơi sản xuất, thành phần của thực phẩm.

- Chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách:

Nên ăn chín uống sôi, không để lẫn thức ăn chín và thức ăn sống với nhau.

Thực phẩm sống cần được rửa sạch rồi bảo quản ở nhiệt độ phù hợp trong tủ lạnh, không để chung các thực phẩm sống với thực phẩm chín khi bảo quản trong tủ lạnh.

- Giữ gìn vệ sinh:

Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chế biến thực phẩm, đồng thời rửa tay trước và sau khi ăn cơm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ, đồ dùng chế biến thực phẩm, vệ sinh nơi bảo quản thực phẩm (tủ lạnh) để tránh vi khuẩn trú ngụ, sinh sôi.

Ngộ độc thực phẩm sẽ không còn là nỗi ám ảnh nếu bạn luôn duy trì thói quen ăn uống khoa học, đảm bảo vệ sinh…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục