Nguy cơ nào có thể xảy ra khi cắt bỏ da thừa?

Linh Chi, icon
09:03 ngày 19/01/2021

VTV.vn - Phẫu thuật cắt bỏ da thừa là thủ thuật được thực hiện để cắt bỏ phần da thừa ở bụng, nhằm giảm bớt tình trạng da thừa bị chùng xuống, lỏng lẻo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ...

Hình minh họa (Ảnh: Verywellhealth).

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), khi phẫu thuật được thực hiện để loại bỏ phần da và mỡ lỏng lẻo ở phần bụng dưới, bác sĩ sẽ thực hiện đường mổ ngang ở vùng trên xương mu, nằm giữa hai hông và có thể thêm một đường mổ từ xương ngực cho đến xương chậu để loại bỏ phần mỡ và da thừa.

Chống chỉ định

Bệnh nhân có thể không phù hợp để thực hiện phẫu thuật nếu như có bệnh nền đang không được kiểm soát tốt như tiểu đường, bệnh tim, bệnh phổi. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ biến chứng. Bệnh nhân cũng không đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật nếu như hút thuốc lá.

Phẫu thuật cắt da thừa thường được thực hiện ở người trưởng thành và một số trường hợp ở trẻ vị thành niên sau khi đã thực hiện phẫu thuật thu nhỏ dạ dày giảm cân. Bệnh nhân nên giữ được cân nặng ổn định trong vòng 6 tháng trước khi thực hiện phẫu thuật.

Nếu như bệnh nhân đang có dự định thực hiện giảm nhiều cân thì bác sĩ có khả năng sẽ khuyên tạm hoãn cuộc phẫu thuật cho đến khi cân nặng được duy trì ở mức ổn định.

Các nguy cơ có thể xảy ra

Các nguy cơ của phẫu thuật cắt da thừa bao gồm:

- Da lỏng lẻo.

- Sẹo.

- Mất da.

- Tổn thương thần kinh.

- Nhiễm trùng.

- Tình trạng lành vết thương kém.

- Tụ dịch.

- Hoại tử mô.

Bác sĩ có thể sẽ khuyên thực hiện phẫu thuật cắt da thừa nếu như phần da và mỡ thừa ờ vùng bụng dưới bị giãn lỏng lẻo đến đùi, đặc biệt là nếu như tình trạng này gây đau, ngứa và làm cản trở sinh hoạt hàng ngày như việc đi bộ hoặc vệ sinh cá nhân. Phẫu thuật cắt da thừa có thể giúp ngăn ngừa việc ngứa và nhiễm trùng da tái lại ở những vùng nếp gấp da.

Phẫu thuật cắt da thừa có thể được biết đến như một dạng thủ thuật tạo hình cơ thể do nó cũng làm thon gọn lại vùng bụng. Nhưng phẫu thuật cắt da chỉ có mục đích là loại bỏ vùng da và mỡ thừa và không được xem như là phẫu thuật thẩm mỹ.

Nếu như mục đích của bệnh nhân là cải thiện vẻ ngoài thì nên lựa chọn phẫu thuật thu nhỏ vòng bụng, loại phẫu thuật ngoài việc loại bỏ mỡ còn làm săn lại các cơ vùng bụng.

Khi nào đủ điều kiện thực hiện?

Bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân quyết định xem liệu phẫu thuật cắt da thừa có thực sự cần thiết và an toàn cho bệnh nhân hay không? Bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm trước khi quyết định phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt bỏ da thừa có thể được bảo hiểm chi trả nếu như tình trạng da thừa gây ra các vấn đề về y khoa, ví dụ như nổi mẩn đỏ, viêm loét mà không đáp ứng với điều trị, hoặc làm cản trở sinh hoạt hàng ngày và có thể giải quyết bằng phẫu thuật. Nếu thực hiện phẫu thuật cắt bỏ da thừa chỉ vì tính thẩm mỹ thì bệnh nhân sẽ phải tự chi trả.

Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được hẹn trước để trao đổi thêm một số vấn đề với bác sĩ như chuẩn bị, các lưu ý, nguy cơ và kết quả thường gặp. Bệnh nhân cũng nên sắp xếp người thân đưa đón cũng như chăm sóc sau phẫu thuật.

Cuối cùng, phẫu thuật cắt bỏ da thừa nên được thực hiện tại bệnh viện hoặc một trung tâm ngoại khoa đã được cấp giấy phép và có đầy đủ các trang thiết bị hỗ trợ, giúp hạn chế được tối đa những biến chứng có thể xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục