Nguy cơ nhiễm cúm A/H7N9 khi giết mổ gia cầm

Minh Đức, icon
03:19 ngày 27/02/2017

VTV.vn - Chỉ mua bán những loại gia cầm đã kiểm dịch an toàn, rõ nguồn gốc; ăn chín uống sôi, vệ sinh sạch sẽ khi tiếp xúc gia cầm... là điều cần làm để chủ động phòng cúm A/H7N9

Theo thông tin từ Bộ Y tế, virus cúm A/H7N9 đang bùng phát tại Trung Quốc có nguy cơ cao lây lan sang Việt Nam bởi giữa hai nước có sự giao lưu thương mại thường xuyên. Theo Cục Y tế dự phòng, cúm A/H7N9 ở người là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng, tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao với những triệu chứng như sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Bệnh do virus cúm A/H7N9 trên gia cầm lây sang người và chưa có vacxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Cúm A/H7N9 được xem là nguy hiểm và có nguy cơ bùng phát thành dịch cao bởi tính chất lây lan âm thầm của nó. Trên thực tế, Việt Nam có sự giao lưu thương mại lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây - nơi đã ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Ngoài ra, việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Vậy nên nguy cơ A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là điều có thể xảy ra.

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Cúm A/H7N9 không có những dấu hiệu rõ ràng như gây chết bất ngờ với số lượng lớn gia cầm mà lây lan âm thầm ở các loại gia cầm, chỉ khi lây nhiễm sang người mới có dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng. Hiện nay tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp nên người dân không nên quá chủ quan trong việc phòng dịch bệnh cúm gia cầm".

Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết, ở tất cả những trường hợp bị nhiễm cúm A/H7N9 đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm và sử dụng các sản phẩm từ gia cầm. Vậy nên để phòng chống dịch, người dân cần chú trọng việc lựa chọn thực phẩm gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có kiểm dịch để đảm bảo an toàn, tránh sử dụng những mặt hàng gia cầm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Cũng theo thông tin từ tổ chức Y tế thế giới, đối với các trang trại và hộ gia đình chăn nuôi gia cầm nên tránh tiếp xúc với con vật sống, nếu tiếp xúc thì cần vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, do virus cúm không thể hoạt động và tồn tại trong điều kiện nhiệt độ cao khi nấu ăn là khoảng 70 độ C trở nên, vậy nên để đảm bảo an toàn, người dân cần ăn chín uống sôi, đặc biệt là các loại thịt và sản phẩm từ gia cầm.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa khi mua bán, giết mổ, chế biến những thực phẩm từ gia cầm. "Khi giết mổ gia cầm thì người dân cần có thiết bị bảo hộ như găng tay chẳng hạn, để tránh tiếp xúc trực tiếp. Tất nhiên cần lựa chọn gia cầm đã qua kiểm dịch hoặc biết rõ nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, khi chế biến thịt sống phải rửa tay kỹ bằng xà phòng, không để thịt sống và thịt chín chung một chỗ, tránh việc để thịt chín lên bề mặt từng để thịt sống mà chưa vệ sinh, khử trùng".

Để chủ động phòng chống bệnh cúm A/H7N9 ở người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm; Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; Những người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe; Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục